Nếu truy cập vào một số đường link giới thiệu sản phẩm đông trùng hạ thảo, khách hàng có thể dễ dàng gặp những lời quảng cáo "có cánh" về công dụng của loại dược liệu này như có thể chữa bệnh gan, bệnh gout, thậm chí cả bệnh ung thư.
Các thông tin về đông trùng hạ thảo nhập khẩu và sản xuất trong nước vẫn còn nhập nhằng, niềm tin của khách hàng vào sản phẩm chưa cao do hiểu biết về sản phẩm còn mập mờ. Đây cũng là một trong những kẽ hở để các sản phẩm đông trùng hạ thảo giả, kém chất lượng len lỏi, gây khó khăn cho công tác quản lý. Vì thế người mua đông trùng hạ thảo không khác nào lạc vào mê cung mà khả năng “sập bẫy” hàng kém chất lượng là rất cao.
Không cẩn thận “săn” phải hàng rởm
Cơ quan chức năng tại Hà Nội vừa thu giữ 480 con đông trùng hạ thảo đựng trong 36 vỉ hút chân không để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đây mới chỉ là một trong số ít những trường hợp bị phanh phui, trên thực tế vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với người mua đông trùng hạ thảo – thứ được nhiều người lùng mua về chữa bệnh dù chưa rõ thực hư về công dụng “thần thánh” của nó.
Việc phát hiện hiện lô đông trùng hạ thảo lớn nói trên là tiếng chuông cảnh báo đối với khách hàng nhẹ dạ cả tin, bỏ cả đống tiền mà có khi mua phải “thần dược” rởm.
Chị Quỳnh Hoa – một khách hàng ở Hà Nam – cho biết chị mua đông trùng hạ thảo về dùng vì nghe theo quảng cáo và giới thiệu của bạn bè. “Xem quảng cáo trên mạng về công dụng tuyệt với của đông trùng hạ thảo nên tôi cũng mạnh dạn chi tiền mua về dùng thử xem sao”, chị Hoa nói.
Bỏ 5 triệu để mua một hộp nhỏ 10gram đông trùng hạ thảo trên mạng về nhà dùng thử, chưa kịp thấy “bổ” vào đâu nhưng thấy loại nuôi cấy trong nước có rẻ hơn nhiều, mà chất lượng được giới thiệu là không kém là mấy so với loại nhập khẩu, chị Hoa lại đặt mua về dùng.
“Chi cả tháng lương để mua đông trùng hạ thảo để sử dụng mà chưa được tư vấn của bác sĩ, giờ nghĩ lại tôi thấy quá liều lĩnh, nhưng đã trót mua rồi chả lẽ lại bỏ đi”, chị Hoa băn khoăn.
Theo lời kể của anh Đào Đức N. – một kỹ sư có kinh nghiệm nghiên cứu và nuôi cấy đông trùng hạ thảo gần chục năm tại Việt Nam, một khách hàng là sỹ quan quân đội đã bỏ ra cả trăm triệu đồng mua đông trùng hạ thảo Tây Tạng nhưng thực sự cũng chưa biết rõ công dụng của loại dược liệu này. Sau này, vị khách này “xót của” và có cảm giác như vừa bị lừa nên đã chuyển sang dùng đông trùng hạ thảo sản xuất tại Việt Nam.
“Hàng nhập khẩu và hàng nuôi cấy trong nước chất lượng cũng không chênh nhau quá nhiều. Mà giá sản phẩm trong nước lại rất rẻ, chỉ vài triệu đồng/100 gram, phù hợp với túi tiền của đa số người dân trong nước. Vậy tại sao khách phải ra công săn lùng hàng nhập khẩu”, anh N. đặt câu hỏi.
Anh N. cho biết, sản lượng đông trùng hạ thảo ở Trung Quốc cả năm cũng chưa nổi 100kg, mà sức tiêu thụ ở thị trường đông dân số 1 thế giới rất lớn thì lấy đâu ra nguồn cung dồi dào cho thị trường Việt Nam như hiện nay.
Trên các trang mạng xã hội quảng cáo bán hàng nhập khẩu chuẩn từ Tây Tạng khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ. Số lượng đặt hàng thì khách muốn lấy mấy kg cũng có, chỉ cần đặt tiền trước.
Liên hệ với một chủ cửa hàng online, rao bán đông trùng hạ thảo nhập khẩu qua Facebook, phóng viên VOV nhận được câu khẳng định là “hàng xịn 100%”, nhưng khi hỏi về giá thì vô cùng kinh ngạc khi một vỉ khoảng chục con đông trùng hạ thảo được “hô” với giá hàng chục triệu đồng. Người bán giới thiệu là có nhiều loại, nhưng loại A có giá đến 2 tỷ đồng mỗi kg sấy khô.
Ông V. một lương y có thâm niên tại Hà Nội cho rằng, công dụng của đông trùng hạ thảo dù đã được chứng mình, song không đến mức là “thuốc tiên” nên người dùng đừng quá ảo tưởng về khả năng chữa bệnh của nó.
Uống bất cứ loại dược liệu nào cũng nên tham khảo ý kiến bác sỹ kỹ lưỡng trước khi dùng. Mua hàng cũng phải chọn cơ sở uy tín và chứng nhận xuất xứ, chất lượng sản phẩm rõ ràng, lương y V. đưa ra lời khuyên.
Ông V. cũng cảnh báo về chuyện “rác thuốc” từ đông trùng hạ thảo: Dù chưa chứng minh được rõ ràng nhưng đã có chuyện đông trùng hạ thảo nhập khẩu về Việt Nam chỉ còn “xác” vì đã bị chiết xuất, hút hết tinh chất. Giá bỏ ra không hề rẻ mà lại mua phải “xác khô” chẳng có tác dụng gì.
Vẫn còn tình trạng “vàng thau lẫn lộn”
Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Hường, giảng viên trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) trên Phụ nữ Việt Nam, trong đông trùng hạ thảo tự nhiên có 2 hoạt chất là Cordycepin và Adenosine. Đây là hoạt chất có tác dụng hỗ trợ người bị tim mạch, huyết áp cao, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn... Trong tự nhiên, không có nhiều dược liệu có chứa hai thành phần này.
TS. Hường cho biết, với những sản phẩm khác nhau thì hàm lượng 2 hoạt chất này cũng khác nhau. Đông trùng hạ thảo tự nhiên có hàm lượng 2 hoạt chất cao hơn loại sấy khô. Với đông trùng hạ thảo nhập khẩu, rất khó kiểm tra, đánh giá chất lượng, bởi có thể sản phẩm đã bị rút hoạt chất quý, chỉ còn lại "rác dược liệu". Khi tới tay người tiêu dùng, nếu bằng mắt thường thật khó để biết trong sản phẩm đó có còn hàm lượng hoạt chất Cordycepin và Adenosine hay không. Đó là chưa kể, lô hàng mang đi kiểm nghiệm thì chất lượng cũng khác với lô hàng không mang đi kiểm nghiệm.
TS. Nguyễn Thị Hường thông tin thêm, với đông trùng hạ thảo nuôi cấy, hàm lượng hoạt chất Cordycepin và Adenosine còn tùy thuộc vào chủng nấm và quy trình nuôi cấy của đơn vị sản xuất. Không phải sản phẩm nào trên thị trường cũng đạt được hàm lượng này. Đặc biệt, với các sản phẩm sử dụng giống nấm không đạt tiêu chuẩn.
Kỹ sư Đào Đức N. cho hay, ấu trùng để nuôi cấy đông trùng hạ thảo cũng có nhiều loại với chất lượng và giá cả khác nhau, chênh nhau tới vài lần là chuyện bình thường. Vì thế, giá bán thành phẩm cũng “trên trời, dưới đất”, từ vài trăm nghìn, tới vài triệu đồng/100 gram.
Khách hàng không nên mua đông trùng hạ thảo bằng… niềm tin, mà nên lựa chọn cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, địa chỉ rõ ràng, có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc hợp pháp.
Bác sỹ V. cho biết, người dân có thể vẫn sử dụng đông trùng hạ thảo với công dụng nâng cao sức khỏe, nhưng không thần kỳ như người ta “tô vẽ” ra đâu, nó cũng chỉ thường thường như các vị thuốc bổ khác mà thôi.
“Nếu bệnh nhân có điều kiện kinh tế thì mua về uống cũng được, ít nhiều cũng khỏe lên đôi chút. Nhưng tác dụng của nó không tương xứng với số tiền quá đắt mà người bệnh phải bỏ. Hàng nuôi cấy trong nước mà rẻ thì coi như 1 loại thực phẩm bổ dưỡng, ít nhất còn chắc nó là hàng thật, không phải rác thuốc”, bác sỹ V. đưa ra lời khuyên./.