Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết số 82 của Chính phủ về công tác bảo vệ người tiêu dùng, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng số vụ vi phạm có chiều hướng gia tăng là do mức xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
Nghị quyết số 82 của Chính phủ ban hành ngày 26/5/2020 đã nêu rõ nhiệm vụ của các bộ ngành trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng trong chính bộ, ngành, lĩnh vực của mình.
Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thực hiện, công tác bảo vệ người tiêu dùng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Mộ số bộ, ngành vẫn chưa ban hành văn bản triển khai, nên chưa giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân dẫn đến hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Nhiều địa phương do hạn chế về nhân lực và tài chính nên hoạt động bảo vệ người tiêu dùng mới chỉ lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn.
Trước tình hình những loại hình kinh doanh mới xuất hiện, các vụ vi phạm có chiều hướng gia tăng, trong khi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, Nhà nước đã ban hành Luật về thương mại điện tử. Chính phủ cũng có các Nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, pháp luật không phủ sóng hết được. Những người kinh doanh gian lận họ tìm mọi kẽ hở để khai thác. Vì vậy, công tác quản lý Nhà nước cần phải được tăng cường.
Tốc độ phát triển thương mại điện tử hàng năm của Việt Nam tăng rất nhanh, ở mức trên dưới 30%, song vấn đề đặt ra là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào. Thực tế cho thấy, việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là trên môi trường trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối, lừa khách hàng, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không giống những gì họ đã quảng cáo./.