Tại cuộc họp báo chiều tối 9/7, các ngành chức năng, trong đó có ngành Công Thương, Giao thông Vận tải và ngành Y tế của TP.HCM đã cung cấp những thông tin quan trọng về một số vấn đề xảy ra tại TP.HCM trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong ngày đầu tiên TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lượng người đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi có đông đúc trong thời gian ngắn vào buổi sáng, sau đó nhanh chóng bình thường trở lại. Hôm nay cũng không có tình trạng hàng hóa trống quầy kệ trong siêu thị.
Do người dân vẫn còn tâm lý tích trữ hàng hoá dẫn đến sức mua tại các chợ tăng cao khiến tiểu thương đẩy giá trong thời điểm khách đông mà hàng thiếu. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra trong một số thời điểm nhất định. Thanh tra sở cùng phòng chức năng tăng cường đi thực tế và phối hợp Cục Quản lý thị trường tập trung rà soát chợ truyền thống, xử phạt nghiêm trường hợp lợi dụng khó khăn của dịch bệnh để đẩy giá.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương, TP.HCM có hơn 50% số chợ truyền thống phải đóng cửa, nên cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng hàng hóa, đặc biệt là đối với những người dân có thu nhập thấp, phải mua thực phẩm sử dụng hằng ngày khi không có khả năng dự trữ. Đây cũng là nỗi lo và ngành công thương đã có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn này.
Trong đó, Sở Công Thương đã có hướng dẫn các địa phương tập trung rà soát lại các chợ đóng cửa, nếu chợ nào chưa đáp ứng điều kiện thì phối hợp với sở để khắc phục, sớm mở cửa trở lại để phục vụ người dân.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm: "Trong trường hợp có nguy cơ phải tạm ngưng hoạt động thì phải báo với Sở Công Thương, nếu còn khả năng khắc phục thì tiếp tục để chợ hoạt động. Trường hợp không thể khắc phục được nữa thì mới để đóng. Do đó mấy ngày hôm nay số lượng chợ phải đóng cửa đã ngưng hẳn".
Mặt khác, Sở Công Thương TP.HCM cũng quy định trong trường hợp quận huyện muốn đóng một chợ truyền thống nào đó thì phải tìm kiếm một mặt bằng phù hợp để sở điều phối hàng hoá của các doanh nghiệp cung ứng; tổ chức điểm bán hàng lưu động ở đó hoặc bán hàng đồng giá…
Liên quan đến vấn đề giao thông trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho hay, lượng phương tiện tại các tuyến đường chính trên địa bàn đã giảm khoảng 15%. Xe chở hàng hóa ra vào các cảng cũng giảm 10% so với những ngày trước. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng ùn tắc kéo dài 2km tại cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây khiến nhiều xe phải quay đầu, làm cho giao thông ùn ứ. Nguyên nhân có thể do người dân chưa chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định mới.
Sở Giao thông Vận tải đã làm việc với các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ cùng các bộ, ngành về việc tạo điều kiện cho phương tiện chở hàng hóa thiết yếu của thành phố. Thời gian qua, một số phương tiện chở hàng hóa từ các tỉnh, thành miền Tây về TP.HCM bị giữ lại tại các tỉnh do yêu cầu mới về giấy xét nghiệm.
Để tháo gỡ khó khăn này, Sở đã báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế về phương án như thay đổi thời hạn quy định đối với giấy xét nghiệm, tạo luồng vận chuyển thông thoáng hàng hóa về TP.HCM. Sở Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành đề nghị phối hợp hỗ trợ tạo luồng xanh cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu. Ngành giao thông TP.HCM cũng lưu ý thêm giấy nhận diện không phải là điều kiện bắt buộc.
"Giấy nhận diện không phải là cái phải có để lưu thông trong thời gian TP thực hiện cách ly. Mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển đối với các doanh nghiệp có lượng hàng hóa lớn, xe chuyên chở công nhân, chuyên gia", đại diện Sở Giao thông Vận tải cho hay.
Cũng tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm cho biết, tính đến nay TP đã có hơn 10.000 ca mắc Covid-19, riêng từ 6h - 18h ngày 9/7, Bộ Y tế công bố có 1.229 ca mới, đa số là ở các khu cách ly, phong toả. Đã có 56 trường hợp tử vong chiếm tỉ lệ 0,59%. Số tử vong phần lớn là do lớn tuổi hoặc có bệnh lý nền, chưa có trường hợp nào là người khoẻ mạnh tử vong do nhiễm Covid-19. Ngành Y tế thành phố sẽ nỗ lực hết sức để có thể nhanh chóng truy vết, khoang vùng và khống chế dịch.
"Thành phố bước vào thời gian thực hiện Chỉ thị 16, mọi người có thể tạm gọi là ở nhà nghỉ ngơi, còn lực lượng y tế sẽ tăng cường gấp đôi công suất để tận dụng thời gian giãn cách, tăng cường giám sát, tầm soát tất cả các nhóm có yếu tố nguy cơ cao", ông Tâm nói./.