Dư địa giảm có thể vẫn còn
Kết thúc phiên giao dịch 8/9, VN-Index giảm 8,29 điểm (-0,62%) xuống 1.333,61 điểm; HNX-Index tăng 0,8 điểm (+0,23%) lên 347,28 điểm. Thanh khoản khớp lệnh trong phiên 8/9 suy giảm so với phiên trước đó và còn thấp hơn cả mức trung bình 20 phiên với khối lượng 713 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh 20.776 tỷ đồng. Độ rộng thị trường là tiêu cực với 245 mã tăng, 115 mã tham chiếu, 391 mã giảm.
Trong phiên chiều, áp lực bán diễn ra trên diện rộng trên sàn HOSE. VIC (-2%) và VHM (-1,6%) là 2 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất lên sàn HOSE với mức giảm 3,257 điểm. Ngoài ra, các cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch thiếu tích cực với hàng loạt mã giảm như: TCB (-1,7%), VPB (-2,4%), CTG (-1,5%), STB (-2,2%), MBB (-1%), TPB (-0,8%), ACB (-1,1%)... gây áp lực lên thị trường.
Chỉ có 4 cổ phiếu ngân hàng tăng giá phiên 8/9, đó là HDB (+0,2%), VIB (+0,1%), LPB (+0,9%) và NVB (+9,8%). Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều cổ phiếu khác trong rổ VN30 cũng giảm hôm nay như GAS (-1%), BVH (-2%), PLX (-2,2%), POW (-1,2%), VNM (-1%)…
Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường tiếp tục giảm trong phiên 8/9 sau khi chỉ số VN-Index không thể đóng cửa trên ngưỡng tâm lý 1.350 điểm trong phiên trước đó. Điều này đã kích hoạt lực bán gia tăng và VN-Index tiếp tục đánh mất ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.340 điểm (MA20). Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang trong sóng điều chỉnh c và dư địa giảm có thể vẫn còn.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 9/9, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.330 điểm (MA50) và xa hơn là ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.300 điểm. Vùng kháng cự của chỉ số trong khoảng 1.340-1.350 điểm (MA20-ngưỡng tâm lý). Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể canh những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao đứng ngoài và quan sát thị trường, tránh mua đuổi ở thời điểm hiện tại”, chuyên gia của SHS nhận định.
Thị trường có thể đảo chiều trong các phiên tới
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, các chỉ báo kỹ thuật vẫn duy trì trạng thái trung lập, chưa xác nhận cho một nhịp tăng mới. Chỉ số đang trong một nhịp điều chỉnh thuần túy sau nhiều phiên tăng điểm mạnh trước đó. Áp lực điều chỉnh hiện tại đang đồng thuận giữa các mã vốn hóa lớn nhưng nhiều nhóm ngành đã có tín hiệu tăng giá trở lại. Tín hiệu tiêu cực nhất là chỉ số sẽ điều chỉnh về lấp lại gap tăng ở quanh 1.315 điểm nhưng với đà giảm chính đến từ nhóm ngân hàng và chứng khoán
“VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index đang trong xu hướng đi ngang quanh vùng biên độ 1.300 – 1.350 điểm”, chuyên gia của TVSI sự báo.
Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), thị trường giảm điểm phiên thứ 2 liên tiếp sau khi kiểm định vùng cản 1.350 điểm không thành công. Thanh khoản sụt giảm mạnh cho thấy áp lực chốt lời đang có dấu hiệu suy yếu và thị trường có thể đảo chiều trong các phiên tới. VN-Index đang cao hơn MA trung dài hạn cho thấy xu hướng tích cực vẫn được duy trì. Đường MACD vận động quanh vùng 0 và đồ thị giá đang tạo ra mô hình tam giác cân, cho thấy tâm lý thị trường đang lưỡng lự chờ đợi các thông tin mới.
“Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu - tiền mặt hợp lý, tiếp tục quan sát những nhóm cổ phiếu kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm khả quan như logistics, cảng biển, thực phẩm, bất động sản và vật liệu xây dựng để tích lũy tại những nhịp giảm điểm. Nhóm ngân hàng mặc dù suy yếu nhưng vẫn khỏe hơn đáng kể so với thị trường chung, kỳ vọng sẽ quay trở lại dẫn dắt thị trường trong nửa cuối tháng 9”, chuyên gia của Agriseco nêu quan điểm./.
Theo VOV