Sau gần 2 tháng lao dốc không phanh, khoảng 1 tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã có những phiên hồi phục khá tích cực nhờ những biện pháp hỗ trợ quyết liệt của cơ quan quản lý. Tuy vậy, thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần có giải pháp căn cơ để lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ các nhà đầu tư chân chính.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Báo cáo trước Quốc hội (QH) vào ngày 23-5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thừa nhận TTCK, trái phiếu doanh nghiệp (DN) và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần phải tăng cường quản lý, giám sát để bảo đảm các thị trường này phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.
Việc kiểm soát và ngăn chặn những hành vi thao túng sẽ giúp thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và bền vững hơn .Ảnh: QUANG LIÊM
Ủy ban Kinh tế của QH cũng chỉ ra trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của DN, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và sự minh bạch của thị trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu (ĐB) QH Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM - cho rằng vai trò của TTCK rất quan trọng trong nền kinh tế. Hiện nay, hằng ngày thông tin về TTCK luôn được các nhà đầu tư, DN rất quan tâm, thậm chí lãnh đạo các nước cũng quan tâm. Tuy vậy, thời gian qua, thị trường đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, như: VN-Index chưa phản ánh đúng "sức khỏe" của nền kinh tế; đã có những dấu hiệu của đầu cơ, lũng đoạn trên thị trường; đã có một vài dấu hiệu tiêu cực ở một số công ty trong vấn đề niêm yết cũng như phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Do đó, việc tăng cường thanh tra, giám sát để bảo đảm TTCK phát triển lành mạnh là việc làm thường xuyên và nên làm.
"Thời gian vừa qua, chúng ta có làm nhưng chậm nên dẫn đến thị trường "rung lắc" trong một giai đoạn nhất định. Tuy vậy, cần hiểu rằng đã là đầu tư, có lợi nhuận thì cũng có rủi ro. Cho nên vấn đề còn lại là chúng ta phải tạo ra một thể chế công bằng, bảo đảm quyền lợi bình đẳng cho các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thực tế, chúng ta đang làm việc này và làm một cách mạnh mẽ, nhằm tạo minh bạch, công khai cho TTCK. Quan trọng hơn là chúng ta phải tạo cho một nền kinh tế vĩ mô ổn định để thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường tài chính, TTCK Việt Nam" - ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Về ngăn chặn các hành vi thao túng, theo ĐB Trần Hoàng Ngân, các công cụ chúng ta đã có, còn lại là phải tăng cường kiểm tra, giám sát và phải xử lý nghiêm những hành vi của các nhà đầu cơ lũng đoạn trên thị trường và cả những tổ chức có sai phạm với mức phạt nặng hơn so với lợi nhuận họ đạt được nhằm làm trong sạch TTCK, công bằng với các nhà đầu tư khác.
ĐBQH Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH - cũng thừa nhận TTCK của Việt Nam là một kênh huy động vốn rất lớn cho nền kinh tế nói chung và cho nhà đầu tư nói riêng thông qua việc phát hành trái phiếu DN, cổ phiếu. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến sự phát triển của TTCK bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc thao túng thị trường, tạo cung cầu giả trên thị trường cổ phiếu và cả trái phiếu DN... Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng và niềm tin của các nhà đầu tư vào TTCK giảm sút và ảnh hưởng đến sự huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Về giải pháp thời gian tới, ĐB Trần Anh Tuấn cho rằng cơ quan quản lý, DN niêm yết phải công bố thông tin kịp thời, chính xác, minh bạch để đưa thông tin trung thực đó vào thị trường một cách nhanh chóng. Việc giám sát thông tin của các DN cũng như các mã cổ phiếu cần phải đầy đủ, kịp thời, chính xác hơn nữa. Cùng với đó, khi phát hiện các hành vi sai phạm, thao túng thị trường thì phải có chế tài nặng, nghiêm minh.
"Thời gian qua, dường như chúng ta chỉ phạt hành chính với những hành vi sai phạm trên TTCK, do đó thiếu tính răn đe, người vi phạm sẵn sàng đánh đổi bởi mức phạt thấp hơn rất nhiều so với lợi nhuận họ thu được. Sắp tới, cần xử lý mạnh với chế tài nghiêm khắc hơn. Cụ thể là cần sửa đổi Luật Chứng khoán. Ngoài ra, cơ quan quản lý phải giám sát được mục đích sử dụng vốn huy động được thông qua phát hành trái phiếu của DN, không để DN sử dụng sai mục đích gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư" - ĐB Trần Anh Tuấn lưu ý.
Khi thị trường lành mạnh, dòng tiền sẽ quay trở lại
Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính, TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng các TTCK phát triển trên thế giới luôn có những nhà tạo lập, những "tay chơi" lớn dẫn dắt thị trường nhưng vẫn nằm trong giới hạn và đặc biệt không có sự thông đồng với các nhà quản trị công ty hay những cổ đông lớn. Bởi đây là điều cấm kỵ, nếu xảy ra sẽ bị xử phạt rất nặng.
Trong khi đó, cơ chế "bắt tay" này ở TTCK Việt Nam thời gian qua lại diễn ra rất nhịp nhàng giữa các "đội lái" với nội bộ DN trong việc thao túng giá chứng khoán và tin tức công bố từ DN. Hoạt động này đã tồn tại dai dẳng nhưng rất ít khi bị phát hiện và đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, kiểm soát từ luật pháp và cơ quan quản lý.
"Trên thị trường có quá nhiều công ty niêm yết nhỏ bé về quy mô, khi trừ phần cổ đông lớn không giao dịch thì một hay một nhóm nhà đầu tư đã có thể thao túng giá cổ phiếu một cách dễ dàng. Một thị trường chuẩn mực và chất lượng cần phải tăng quy mô cả về vốn thực đến tiêu chuẩn, điều kiện niêm yết và hủy niêm yết. Khi quy mô niêm yết lớn lên thì quy định về cổ đông lớn cần phải giảm thay vì 5% như hiện nay" - ông Chí nêu thực tế.
Ngoài ra, theo TS Lê Đạt Chí, một tồn tại từ hệ thống giao dịch từ trước đến nay cũng làm gia tăng hay tiếp tay cho việc thao túng giá chứng khoán là câu chuyện T+3, cách khớp lệnh mở cửa (ATO) và đóng cửa thị trường (ATC). Các nhóm "làm giá" có thể lợi dụng những sơ sở này đánh bật thị trường chỉ với một quy mô vốn nhỏ.
"TTCK Việt Nam đã có hơn 20 năm phát triển, đã đến lúc cần phải có những quy định mới về tiêu chuẩn và điều kiện niêm yết cũng như hủy niêm yết để loại bỏ những cổ phiếu quá nhỏ và yếu kém cả về triển vọng tương lai phục hồi..., qua đó nâng thị trường lên tầm cao mới, cũng như sớm hiện thực hóa một giấc mơ trung tâm tài chính quốc tế" - TS Lê Đạt Chí kỳ vọng.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng cũng công cụ luật pháp có liên quan thị trường tài chính của chúng ta cơ bản đã có đủ. Vấn đề nằm ở khâu giám sát và kiểm soát tất cả các khâu cũng như dòng tiền trên thị trường như thế nào để trong thời gian tới không tái diễn những vụ việc đã "xử lý" vừa qua.
Theo ông, khi thị trường được kiểm soát tốt, lành mạnh, nhà đầu tư được bảo vệ thì dòng vốn của nhà đầu tư trong và nước ngoài chắc chắn sẽ quay trở lại. Ít nhất là trong quý III, quý IV tới, dòng vốn vào TTCK sẽ mạnh trở lại.
Theo ông Phan Quốc Bửu, Giám đốc phân tích ngành Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - khu vực phía Nam, TTCK Việt Nam đang trải qua quá trình điều chỉnh và tương đối trầm lắng sau thời gian tăng điểm rất nhiều trong hơn 2 năm vừa qua. Đợt điều chỉnh đã đưa VN-Index về vùng định giá tương đối hấp dẫn với mức P/E đứng thứ 6 trong khu vực châu Á - mức P/E thấp hơn mức P/E bình quân trong 5 năm.
Tuy kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường sau đại dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Đặc biệt, Chính phủ đặt quyết tâm cao làm lành mạnh thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính và nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi sẽ là yếu tố then chốt để TTCK Việt Nam hấp dẫn hơn trong tương lai.
Sáng nay diễn ra tọa đàm về thị trường chứng khoán bền vững
Nhằm tạo điều kiện để lãnh đạo các hiệp hội, quỹ đầu tư, chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, hiến kế giải pháp góp phần đưa thị trường chứng khoán thật sự trở thành nơi huy động vốn, là "hàn thử biểu" của nền kinh tế và là kênh đầu tư lâu dài, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm (trực tiếp và trực tuyến) với chủ đề: "Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững" vào sáng 25-5, tại TP HCM.