Được diễn ra tại trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên từ tháng 9 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021. Sau 3 tháng thực hiện, 97% thành viên CLB đã có những cải thiện đáng kể trong nhận thức và phát triển bản thân.
Bà Trương Mỹ Hoa trao giấy chứng nhận và quà cho các nữ sinh CLB
Giai đoạn thể nghiệm của CLB Nữ sinh “Hoa bản làng” được thực hiện với sự đồng hành phụ trách đào tạo và hướng dẫn của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và sự tài trợ của ngân hàng HSBC Việt Nam. Điều kiện để tham gia dự án là các nữ sinh người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh gia đình khó khăn và cam kết tham gia dự án. Sau khi được chọn, các nữ sinh không chỉ nhận học bổng giáo dục mà còn tham gia CLB và học về sức khỏe sinh sản và tình dục (SKSS&TD), hiểu biết về tài chính và đào tạo kỹ năng lãnh đạo. Trong 12 buổi sinh hoạt sau giờ học, các bạn được khám phá và thể hiện bản thân thông qua các hình thức thảo luận nhóm, kịch ứng tác, vẽ tranh…
Bà Trương Mỹ Hoa, ông Rad Kivette và các vị khách cùng các nữ sinh CLB
Dự án thí điểm này được thực hiện tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Thái Nguyên và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Ngoài mục tiêu khuyến khích các nữ sinh tiếp tục đến trường và ngăn chặn tình trạng tảo hôn, CLB được thành lập nhằm tạo ra một môi trường an toàn và thoải mái, khuyến khích các nữ sinh chia sẻ khó khăn và học hỏi lẫn nhau.
Sau ba tháng hoạt động sôi nổi, dự án thể nghiệm CLB Nữ sinh “Hoa bản làng” đã đạt được các mục tiêu thông qua các buổi sinh hoạt CLB, nơi các nữ sinh được khuyến khích tự do thảo luận các câu hỏi của bản thân, giúp các bạn nâng cao đáng kể sự tự tin và nhận thức về bản thân. Một số thành tựu nổi bật của dự án bao gồm:
- 96,6% thành viên CLB nay đã hiểu biết tường tận về sự phát triển thể chất và tinh thần của tuổi dậy thì và tuổi vị thành niên.
- Kiến thức về mang thai và tránh thai được cải thiện. Tỷ lệ các bạn hiểu về thuốc tránh thai đã tăng mạnh từ 49,2% lên 81%.
- Nhận thức về tảo hôn được cải thiện tích cực từ 72,9% lên 89,7%. Các thành viên CLB còn được hướng dẫn cách đối phó với tảo hôn thông qua các tình huống được thực hiện trong các buổi sinh hoạt CLB.
- 97% nữ sinh ý thức đầy đủ về quyền được đi học và phát triển cá nhân, trong khi tỷ lệ này là 0% trước khi tham gia các buổi sinh hoạt CLB.
Một thành viên CLB chia sẻ: "Có những hủ tục của dân tộc mình làm mất cơ hội của các bạn nữ sinh như chúng mình được đi học, được có kiến thức và tự xây dựng tương lai. Tham gia CLB, mình được biết nhiều hơn về chăm sóc sức khỏe, nâng cao năng lực của bản thân, để tránh các nguy cơ cũng như tự ra quyết định cho cuộc sống của mình. Chúng mình, qua sinh hoạt CLB, đã gắn bó, đoàn kết hơn và mong muốn được tỏa lan những giá trị của CLB ra với cộng đồng".
“Nhờ hợp tác với Quỹ học bổng Vừ A Dính, cũng như sự hỗ trợ từ HSBC và CCIHP, CLB Nữ sinh “Hoa bản làng” được tạo ra để xác định tầm quan trọng của giáo dục đối với các nữ sinh dân tộc thiểu số. Số liệu thống kê đã chứng minh rằng việc dạy cho các em những chủ đề quan trọng này là khoản đầu tư tốt nhất mà chúng ta có thể thực hiện để tăng cường hội nhập, thay đổi hủ tục và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng dự án này sẽ giúp các cô gái của chúng ta phát triển thành những người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ với tương lai tươi sáng hơn, giúp giảm nghèo và phát triển các cộng đồng trên khắp đất nước.”, ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc VinaCapital Foundation cho biết.
Kết quả của chương trình sẽ là tiền đề của những cải tiến cho mô hình triển khai của chương trình CLB Nữ sinh. Nhờ thành công của dự án thí điểm CLB Nữ sinh, chương trình dự kiến sẽ tiếp tục phân tích hiệu quả của dự án, hoàn thiện chương trình để phù hợp với nữ sinh dân tộc thiểu số cũng như tìm kiếm nguồn quỹ từ các nhà tài trợ để có thể nhân rộng mô hình tại tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.
Văn Trường