Trong buổi phỏng vấn xin việc, câu hỏi “Bạn có sẵn sàng đi công tác không?” có thể xuất hiện mà không có dấu hiệu báo trước, đặc biệt là khi bạn ứng tuyển vào những vị trí yêu cầu di chuyển thường xuyên. Đối với một số người, đây là cơ hội để khẳng định sự linh hoạt và tinh thần sẵn sàng trong công việc. Nhưng với một số khác, nó có thể mang lại ít nhiều áp lực vì những lý do cá nhân như gia đình hay vấn đề sức khỏe.
Trước khi trả lời câu hỏi này trong các buổi phỏng vấn tìm việc làm ổn định tại Hà Nội, TPHCM…, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng về tình trạng của bản thân cũng như mức độ hấp dẫn của công việc để đưa ra một câu trả lời vừa thuyết phục nhà tuyển dụng, vừa đảm bảo không đẩy bản thân vào những tình thế khó khăn trong tương lai.
Hiểu rõ mục đích của câu hỏi là gì
Trước hết, bạn cần hiểu tại sao nhà tuyển dụng lại quan tâm đến vấn đề đi công tác của bạn. Trong nhiều lĩnh vực như bán hàng, marketing, quản lý dự án… việc di chuyển giữa các chi nhánh, gặp gỡ đối tác hoặc kiểm tra tình hình ở các khu vực khác là một phần quan trọng của công việc. Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết bạn có sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu phát sinh của vị trí ứng tuyển hay không.
Bên cạnh đó, đáp án bạn đưa ra còn giúp họ đánh giá mức độ linh hoạt, khả năng quản lý thời gian và tinh thần trách nhiệm của bạn đối với công việc. Thông thường, một ứng viên có thái độ tích cực và sẵn sàng thích ứng với những thay đổi sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn so với những ứng viên có quá nhiều vướng bận cá nhân.
Những vấn đề cần cân nhắc trước khi trả lời
Khi đứng trước câu hỏi này, bạn nên dành chút thời gian để cân nhắc về một số yếu tố liên quan đến cuộc sống cá nhân và tính chất công việc.
- Cuộc sống gia đình và trách nhiệm cá nhân: Nếu bạn có gia đình, con cái hoặc trách nhiệm chăm sóc người thân, việc xa nhà trong một khoảng thời gian ngắn hoặc dài (tùy thuộc vào yêu cầu công việc) có thể ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bạn. Vì vậy, hãy tự mình trả lời các câu hỏi: Cuộc sống hiện tại có thể cho bạn sự linh hoạt về thời gian hay không? Có người thân nào có thể hỗ trợ trong thời gian bạn vắng nhà hay không? Nếu không, liệu bạn có thể sắp xếp cuộc sống cá nhân của mình một cách ổn thỏa?
- Sức khỏe và thói quen sinh hoạt: Một yếu tố khác mà bạn cần cân nhắc là sức khỏe cá nhân. Đi công tác nhiều có thể ảnh hưởng đến lịch trình sinh hoạt, chế độ ăn uống và giấc ngủ của bạn. Nếu bạn cần duy trì một chế độ chăm sóc sức khỏe đặc biệt hoặc có những hạn chế về thể chất, việc di chuyển thường xuyên có thể gây ra nhiều khó khăn cho chính bạn.
- Tần suất đi công tác: Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng mà nhiều ứng viên thường bỏ qua khi trả lời câu hỏi này. Một số vị trí có thể yêu cầu di chuyển 1-2 lần mỗi năm, trong khi các vị trí khác có thể yêu cầu bạn đi công tác mỗi tháng, thậm chí mỗi tuần. Hãy hỏi nhà tuyển dụng về tần suất đi công tác để cân nhắc xem có phù hợp với phong cách sống và mong muốn của bạn hay không.
- Thời gian, địa điểm công tác và công tác phí: Bạn cũng cần xem xét các yếu tố liên quan đến thời gian và địa điểm của những chuyến công tác. Liệu bạn phải xa nhà trong nhiều ngày liên tiếp hay chỉ là những chuyến công tác ngắn ngày? Công tác ở các địa phương lân cận hay công tác nước ngoài? Và đặc biệt, hãy tìm hiểu công tác phí sẽ được công ty chi trả như thế nào?
Gợi ý cách trả lời theo các tình huống thực tế
Sau khi cân nhắc các yếu tố kể trên, bạn có thể lựa chọn cách trả lời phù hợp với tình huống của mình với một số gợi ý như sau:
- Nếu bạn sẵn sàng đi công tác: Nếu bạn hoàn toàn thoải mái với việc đi công tác, hãy trả lời một cách sảng khoái và tự tin. Bạn có thể khẳng định sự sẵn lòng của mình và thể hiện bản thân hiểu rất rõ, đi công tác là một phần thiết yếu của công việc.
Ví dụ: "Tôi rất sẵn lòng đi công tác nếu công việc yêu cầu điều đó. Tôi hiểu rằng việc gặp gỡ trực tiếp với khách hàng, đối tác có thể mang lại những kết quả tốt hơn trong công việc và tôi rất hứng thú với cơ hội này".
- Nếu bạn có thể đi công tác nhưng có giới hạn: Trong trường hợp bạn sẵn lòng đi công tác nhưng có những giới hạn nhất định về tần suất hoặc thời gian, bạn cũng nên trình bày rõ ràng để tránh những hiểu lầm sau này. Hãy nhấn mạnh rằng, bạn linh hoạt nhưng cũng có một số yếu tố cá nhân cần cân nhắc.
Ví dụ: "Tôi sẵn sàng đi công tác nếu điều đó là cần thiết. Tuy nhiên, vì có một số trách nhiệm gia đình, tôi mong muốn được biết thêm về tần suất và thời gian của mỗi chuyến công tác để có thể sắp xếp hợp lý".
- Nếu bạn không thể đi công tác: Nếu không thể đi công tác vì các lý do cá nhân như trách nhiệm gia đình, vấn đề sức khỏe hoặc các yếu tố khác, hãy thẳng thắn chia sẻ với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn cần trình bày một cách khéo léo và đề xuất các giải pháp thay thế để nhà tuyển dụng nhận thấy bạn đã suy nghĩ thấu đáo về tình huống này.
Ví dụ: "Tôi hiểu rằng đi công tác là một phần quan trọng của công việc nhưng vì trách nhiệm gia đình và tình hình sức khỏe không cho phép, hiện tôi không thể đáp ứng yêu cầu đi công tác thường xuyên. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng hỗ trợ từ xa hoặc tham gia những chuyến công tác ngắn hạn nếu điều đó thực sự cần thiết".
Làm thế nào để không đánh mất cơ hội vì vấn đề đi công tác?
Dù câu trả lời của bạn là gì, bạn cần thể hiện sự chân thành và tôn trọng đối với nhà tuyển dụng. Đừng né tránh hoặc đưa ra những câu trả lời chung chung. Nếu bạn thể hiện được mình đã suy nghĩ thấu đáo và hiểu rõ về yêu cầu công việc, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao sự nghiêm túc và chuyên nghiệp của bạn.
Nếu không thể đáp ứng yêu cầu đi công tác, hãy tập trung vào những điểm mạnh khác của bạn để bù đắp. Chẳng hạn, bạn có thể nhấn mạnh khả năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp hiệu quả từ xa hoặc sự linh hoạt trong việc hỗ trợ dự án mà không cần phải di chuyển…
Câu hỏi “Bạn có sẵn sàng đi công tác không?” tuy đơn giản nhưng lại có tác động khá lớn đến quyết định của nhà tuyển dụng và cả con đường sự nghiệp của bạn. Để trả lời câu hỏi này, bạn cần hiểu rõ yêu cầu của công việc cũng như khả năng của bản thân, từ đó đưa ra một câu trả lời chân thành, thể hiện sự sẵn sàng thích ứng với yêu cầu công việc nhưng không đánh mất sự cân bằng trong cuộc sống cá nhân.
Mai Hạnh