Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.876 USD/ounce - giảm 22 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua. So với phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng giảm 14 USD/ounce. Hiện gới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ diễn ra vào tuần tới.
Ảnh minh họa. (Internet)
Giá vàng thế giới giảm mạnh trong bối cảnh giới đầu tư tài chính nhận định lạm phát tại Mỹ gia tăng chỉ là nhất thời. Từ đó, họ đã "cố thủ" vào USD, giúp giá trị của "đồng bạc xanh" phục hồi mạnh mẽ sau khi suy yếu vào phiên giao dịch trước.
Tuy nhiên, ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới tài chính OANDA, cho biết tình hình lạm phát gia tăng của Mỹ đã không thể gây ra đợt bán tháo trên thị trường vàng. Thêm vào đó, lợi suất trái phiếu đi xuống sẽ là yếu tố giúp vàng phục hồi.
Nhà phân tích Kyle Rodda của IG Market dự báo trong ngắn hạn, giá vàng vẫn nhận được hỗ trợ và kim loại quý này sẽ vượt 1.900 USD/ounce.
Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh
Tại kỳ điều chỉnh ngày 11/6, liên bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, dầu. Tuy nhiên, liên Bộ chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.600 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 600 đồng/lít và dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít; dầu diesel 300 đồng/lít.
Ảnh minh họa. (Internet)
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, cụ thể:
Xăng E5 RON92 không cao hơn 19.048 đồng/lít (tăng 622 đồng/lít);
Xăng RON95-III không cao hơn 20.164 đồng/lít (tăng 633 đồng/lít);
Dầu diesel 0.05S không cao hơn 15.448 đồng/lít (tăng 674 đồng/lít).
Dầu hỏa không cao hơn 14.412 đồng/lít (tăng 587 đồng/lít);
Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 14.954 đồng/kg (tăng 675 đồng/kg).
Trái cây rớt giá thê thảm
Ông Lê Thanh Đán, ở ấp Bình Thắng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hơn 1 tháng qua vườn xoài cát Hoà Lộc rộng 2 ha của gia đình đã chín nhưng giá xoài đang xuống thấp, thương lái thu mua tại vườn chỉ 12.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với vụ năm ngoái; giá xoài Đài Loan, xoài ghép... rớt thê thảm hơn, chỉ 1.500 đồng/kg thay vì 10.000 đồng/kg như mọi năm.
Ảnh minh họa. (Internet)
Ông Đán chia sẻ, do giá bán quá thấp, thu hoạch không đủ bù chi phí đầu tư, công thu hái nên đành phải để xoài rụng tự nhiên, nhiều đến nỗi phải cho bò ăn. Ông Đán ước tính gia đình vụ này thất thu 15 tấn xoài, trị giá gần 200 triệu đồng.
“Do xoài đến kỳ thu hoạch mà bán không được vì thương lái mua quá rẻ nên phải để tự rụng thôi chứ không còn cách nào khác. Gia đình tôi đây mấy chục tấn xoài không thể nào giải quyết được, nuôi vài con bò ăn cũng không hết. Người dân mong muốn nhà nước có cách nào hỗ trợ cho bà con trong mùa dịch này” - ông Đán nói.
Vườn bơ 1,1 ha của gia đình ông Hoàng Long Vỹ, ngụ ấp 3, xã Kim Long, huyện Châu Đức cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo ông Vỹ, nếu như cuối năm 2020, giá trái bơ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg thì đến tháng 2/2021 chỉ còn 25.000 đồng/kg, nay bơ tiếp tục giảm còn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Ông Vỹ cho hay, những ngày qua nhiều lần ông gọi thương lái vào thu mua, nhưng không có ai đến, họ cho biết do dịch bệnh Covid-19 nên không đi lại nhiều.
“Hiện bơ giá quá thấp, trong khi chi phí đầu vào như công lao động, giá phân bón lại cao, người nông dân từ lúc trồng đến thu hoạch không có lãi. Vụ bơ năm 2021 người nông dân sẽ lỗ chứ không lãi” - ông Vỹ lo lắng.
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các loại trái cây khó tiêu thụ, giá bán trung bình cũng giảm từ 10 - 15%. Kinh tế khó khăn, nhiều người dân phải thắt chặt chi tiêu; các nhà hàng, khách sạn… đóng cửa cũng khiến nhu cầu về trái cây giảm sút. Trong khi đó, diện tích trồng trái cây trên địa bàn tỉnh 3 năm qua liên tục tăng mà chưa tính đến bài toán về đầu ra sản phẩm.
“Ngành nông nghiệp cũng có khuyến cáo, thống nhất với các địa phương để có định hướng sẽ khống chế ở 1 diện tích nhất định, tập trung phát triển cây ăn trái ở một số vùng phù hợp, trồng phải có liên kết chứ không đại trà như hiện nay. Bên cạnh đó, địa phương định hướng một số vùng trồng trái cây phù hợp, có nước tưới, địa phương cũng phải vận động bà con không phát triển diện tích tự phát” - ông Nguyễn Chí Đức nói.
Trước mắt, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến khích bà con tăng cường bán hàng qua các trang thương mại điện tử. Về lâu dài, tỉnh sẽ vận động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh được việc phải “giải cứu” hàng hoá nông sản như hiện nay.
Giá rau xanh tăng mạnh
Trái với thị trường trái cây khó tiêu thụ vì ảnh hưởng dịch Covid-19, giá nhiều loại rau tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, hiện đang tăng mạnh.
Ảnh minh họa. (Internet)
Cụ thể, giá cải bó xôi 35.000 đồng/kg (tăng gấp đôi so với bình thường), bắp cải tím tăng lên mức 17.000 - 20.000 đồng/kg, xà lách cô rôn trên 20.000 đồng/kg, xà lách lô lô 7.000 - 10.000 đồng/kg, đậu leo tăng 6.000 đồng/kg lên 16.000 - 18.000 đồng/kg…
Theo tìm hiểu, hiện nhiều nhà vườn trồng rau ở Đà Lạt và các vùng lân cận bị ảnh hưởng do thời tiết có mưa nhiều, khiến các loại rau ăn lá bị hư hại nên ảnh hưởng đến sản lượng cung cấp ra thị trường.
Ông Minh, Chủ cơ sở rau Vạn Hạnh (Phường 8, thành phố Đà Lạt) cho biết, hiện tại cơ sở của ông vẫn thu mua và vận chuyển đi đầu mối siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ bình thường với sản lượng trung bình hơn 10 tấn rau/tuần.
Tuy nhiên một số loại rau ăn lá đang dần khan hiếm do mưa nhiều nên thời gian tới giá rau có thể biến động tiếp.
Giá cua biển giảm từ 30 - 40%
Gần tuần nay, giá một số mặt hàng thủy sản như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng thương phẩm, ua biển ở thị trường Trà Vinh giảm rất mạnh; nhất là cua biển giảm từ 30 - 40% so với 10 ngày trước.
Ảnh minh họa. (Internet)
Chị Nguyễn Thị Thu, chủ đại lý thu mua thủy sản chợ Trà Vinh cho biết, từ ngày 31/5, giá một số mặt hàng thủy sản bắt đầu giảm sâu, cụ thể: tôm sú loại 20 con/kg chỉ còn 250.000 đồng/kg giảm 30.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg và 40 con/kg đều giảm từ 40.000 - 50.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg, 40 con/kg, 50 con/kg đều giảm từ 20.000 - 40.000 đồng/kg.
Riêng cua biển chỉ trong 4 ngày qua đã giảm gần một nửa giá, như: cua gạch loại 4 con/kg chỉ còn 350.000 đồng/kg, cua thịt loại 2 - 3 con/kg chỉ 300.000 đồng/kg, cua thịt bán xô loại 4 - 6 con/kg chỉ còn 180.000 - 200.000 đồng/kg.
Theo chị Thu, mặt hàng tôm sú, tôm thẻ chân trắng hiện nay nông dân thu hoạch chủ yếu bán vào các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh. Riêng cua biển hiện gần như chỉ bán cho thị trường trong tỉnh tiêu dùng, do thị trường lớn Thành phố Hồ Chí Minh giảm mức tiêu thụ khoảng 70%. Hầu hết các đại lý chỉ thu mua cua biển với số lượng hạn chế đủ để cung ứng theo đơn hàng.
Hiện tại, đại đa số nông dân nuôi tôm, nuôi cua biển ở Trà Vinh chọn giải pháp neo ao nuôi cua, tôm sú, tôm thẻ chân trắng để chờ thị trường tiêu thụ thủy sản bình ổn trở lại, tránh thất thu do rớt giá.