Giá vàng lao dốc không phanh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.735 USD/ounce. Như vậy, giá vàng thế giới đã bị thổi bay gần 100 USD trong tuần này. Lý do, giá tiếp tục giảm mạnh là do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ chạm mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo theo đồng USD tăng giá, trong bối cảnh triển vọng kinh tế Mỹ được đánh giá dần tươi sáng hơn.
Giá vàng lao dốc không phanh.
Kỳ vọng về lạm phát ngày càng tăng vì thị trường đặt cược vào việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế, thị trường phát triển trở lại đã kéo lợi suất tăng cao và gây áp lực lên vàng. Lạm phát cao hỗ trợ vàng nhưng cũng kéo lợi suất trái phiếu tăng, yếu tố làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Ngoài ra, một số tổ chức đầu tư cho rằng, vàng giảm giá mạnh trong các ngày qua còn do áp lực bán ra tăng lên khi phân tích kỹ thuật cho thấy mặt hàng này nhiều khả năng sẽ rơi vào một xu hướng giảm trong ngắn hạn.
Sau thông tin GDP tháng 1/2021 được bộ Thương mại Mỹ công bố trước tăng 5,3%, thì thêm thông tin GPD quý IV/2020 của nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng 4,1%, khả quan hơn mức dự báo ban đầu là 4%. Các ngành có mức tăng trưởng tốt như bán lẻ, điện thoại, ô tô, mua nhà và tiêu dùng. Cùng với đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua cũng giảm so với tuần trước, còn 730.000 đơn, thấp hơn dự báo trước đó là 845.000 người.
Chuyên gia nhận định, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng trưởng mạnh mặc dù dịch bệnh chưa thực sự được kiểm soát. Nếu gói hỗ trợ phòng chống dịch bệnh và kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD tháng 3 tới được đưa vào thị trường sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.
Cùng với đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 tại Mỹ đã có lúc tăng cao tới 1,6% và đứng phiên cũng tăng 1,52%, cao nhất kể từ tháng 2/2020. Điều này cho thấy mức độ lạc quan ngày càng tăng về sự phục hồi của nền kinh tế. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhà đầu tư bán tháo vàng, khiến kim quý giảm giá sâu.
Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh
Tại kỳ điều chỉnh ngày 25/2, liên bộ Tài chính - Công Thương ngừng trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng dầu.
Tuy nhiên, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu như sau: xăng E5 RON92 chi ở mức 2.000 đồng/lít (kỳ trước chi 1.729 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 1.150 đồng/lít (kỳ trước chi 847 đồng/lít), dầu diesel ở mức 850 đồng/lít (kỳ trước chi 643 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 900 đồng/lít (kỳ trước chi 635 đồng/lít) và dầu mazút ở mức 800 đồng/kg (kỳ trước chi 603 đồng/kg).
Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường được điều chỉnh theo hướng tăng giá như sau: xăng E5 RON92 tăng 722 đồng/lít, giá mới không cao hơn 17.031 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 814 đồng/lít, giá mới không cao hơn 18.084 đồng/lít; dầu diesel 0.05 tăng 788 đồng/lít, giá mới không cao hơn 13.843 đồng/lít; dầu hỏa dầu hỏa tăng giá 702 đồng, giá bán ra 12.610 đồng/lít; dầu mazút 180CST 3.5S tăng 505 đồng, giá bán mới không cao hơn 13.127 đồng/kg.
Giá rau, củ lao dốc
Bà Nguyễn Thị Tuyết, kinh doanh thực phẩm tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: "Giá rau củ rẻ chưa từng có. Chúng tôi mua tại chợ đầu mối giá rau cải cúc chỉ 1.000 đồng/mớ, cà chua, su su: 1.500 đồng/kg, cà rốt: 3.000 đồng/kg, su hào: 1.000 đồng/2 củ; hành lá: 6.000 đồng/kg...
“Giá rau củ rẻ đến mức khi mua buôn chúng tôi không nỡ mặc cả, còn người bán không dám nói thách vì giá rẻ thế này vẫn ế” - bà Nguyễn Thị Tuyết tâm sự.
Giá rau, củ lao dốc.
Bà Nguyễn Thị Hồng Mai, kinh doanh thực phẩm tại ngõ 122 Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chung tâm sự: Giá rau bán lẻ rất rẻ, nhưng ngày nào bà cũng bị ế hàng vì ít người mua.
“Ngày hôm qua tôi bị ế 1 tải su hào, các loại rau khác cũng tồn gần 1 nửa phải đổ bỏ, vì rau tươi còn chẳng bán được, rau cũ ai mua” - bà Mai chia sẻ.
Với một sạp rau nhỏ tại chợ, chị Nguyễn Hồng Liên vừa nuôi 2 con ăn học, vừa dư dả có tiền mua sắm trong gia đình, nhưng từ ra Tết đến nay, thu nhập từ bán rau của chị đang giảm nghiêm trọng.
“Có những ngày tôi chỉ bán được ½ số hàng, giá lại rẻ nên gần như không có lãi, chủ yếu là đi chợ cho khỏi trì trệ người và để giữ khách là chính” - chị Hồng Liên nói.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá rau sẽ tiếp tục rẻ trong thời gian tới vì lượng cung dồi dào, trong khi đó sức mua giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giá gà giảm mạnh
Thời điểm hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm và nuôi gà đẻ trứng như “ngồi trên đống lửa” vì giá liên tục giảm và thị trường tiêu thụ chậm.
Trại chăn nuôi của ông Nguyễn Duy Toản ở xã Viên An (huyện Ứng Hòa) hiện có 50.000 gà đẻ, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 40.000 quả trứng và chủ yếu là bán buôn cho các thương lái. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số đầu mối đã dừng thu mua nên việc tiêu thụ trứng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Duy Toản cho biết: "Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, giá trứng gà đỏ bán tại chuồng chỉ còn 900-1.000 đồng/quả, trong khi giá thành sản xuất là 1.500 đồng/quả. Nếu kéo dài tình trạng này, chúng tôi sẽ phải tính đến bài toán bán phá đàn".
Giá gà giảm mạnh.
Các hộ chăn nuôi gia cầm cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết: Hội có 30 thành viên, mỗi hộ nuôi 1.000-5.000 con. Thời gian gần đây, giá gia cầm giảm mạnh từng ngày, hiện gà lông trắng là 31.000-32.000 đồng/kg (dịp Tết Nguyên đán là 40.000 đồng/kg), còn gà ta thả vườn là 45.000-70.000 đồng/kg tùy loại, giảm 20.000 đồng/kg so với tháng 1/2021; trong khi đó giá cám tăng 10-15% so với cùng kỳ năm trước, do vậy nhiều hộ chăn nuôi gia cầm rơi vào cảnh thua lỗ.
Tại các chợ dân sinh, giá gia cầm cũng giảm và tiêu thụ chậm, ông Phạm Văn Tám, tiểu thương tại chợ Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, hiện nay, mỗi ngày, cửa hàng chỉ bán được 10-20 con gà và giá thì giảm tới 20% so với cùng thời kỳ năm trước.
Còn theo bà Nguyễn Thị Trang, tiểu thương bán gia cầm tại chợ Xanh, phường Văn Quán (quận Hà Đông), những ngày này nhu cầu mua gà làm lễ đầu năm của người dân rất ít, mỗi ngày tôi chỉ bán 5-10 con gà, giảm 50% so với những ngày trước Tết Nguyên đán và giá cũng giảm mạnh.
Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng giá gia cầm giảm mạnh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hiện tổng đàn gia cầm của thành phố đạt gần 40 triệu con, nguồn cung cho thị trường tương đối dồi dào. Trong khi các nhà hàng, bếp ăn tập thể đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu tiêu thụ chậm, giá cả theo đó cũng giảm.
Giá hoa ở Hà Nội giảm sâu
Tại làng hoa Tây Tựu (Hà Nội) thời điểm này mọi năm, không khí thu hoạch hoa nhộn nhịp sôi động, các thương lái từ khắp mọi nơi đổ về lấy hoa. Tuy nhiên, cận kề Rằm tháng Giêng, nông dân sốt sắng lo tiêu thụ lượng lớn hoa đang nở rộ. Giá hoa giảm tới 50-70% so với trước Tết, tiêu thụ gặp khó vì ảnh hưởng dịch bệnh.
Giá hoa ở Hà Nội giảm sâu.
Những loại hoa dễ bán sau Tết, vào mùa lễ hội như hoa cúc, hoa ly, hoa hồng, hoa loa kèn, thược dược... tới ngày cắt bán, nay đã bung nở nhưng vẫn “nằm im” trên ruộng. Nhiều hộ gia đình tại đây đã phải cắt bỏ để tiến hành làm đất, gieo trồng luống mới vì không tìm được thị trường tiêu thụ.
Lý giải nguyên nhân hoa bị mất giá và phải cắt bỏ gấp, người trồng cho biết, hoa khó bán từ trước Tết, khi các thị trường tiêu thụ lớn tại miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Ra Giêng, lễ hội, chùa, phủ và các hoạt động tâm linh tín ngưỡng tạm hoãn do dịch bệnh, hoa tươi một lần nữa lao đầu tìm người mua. Nhà vườn chủ động kết nối, chuyển hướng bán thêm đi các tỉnh phía Nam, miền Trung nhưng hiệu quả không cao. Vận chuyển đường dài, chênh lệch nhiệt độ khiến hoa Tây Tựu kém sức cạnh tranh.
Hoa rớt giá khiến tất cả những người làm nghề trồng hoa tại đây đều lo lắng chứ không riêng một ai. Người dân ở đây chỉ mong cứu vãn được một chút để hòa vốn, thu đủ tiền giống chứ không dám nghĩ đến lời lãi và các khoản chi phí thêm như phân bón, nhân công, điện thắp sáng...
Theo ghi nhận của Tienphong.vn “Hoa gì cũng ế. Ế nhất là hoa cúc, sau đó tới hoa ly. Trước tết 100.000 đồng/ mớ thì nay rẻ mất 2 phần, chỉ còn 30.000 đồng/ mớ 50 cành vẫn không bán được. Hoa cúc nở to phải bỏ đi nhiều, thậm chí thuê người đi vứt”. Bà Đỗ Thị Khánh (người trồng hoa tại Tây Tựu) chia sẻ.
Với hoa ly, giá hàng đẹp tại vườn 130.000 - 140.000 đồng/10 cành 5 lai trở lên. Hàng cắt kèm bông xanh, bông chín thì chưa tới 100.000 đồng/ 10 cành. Ông Nguyễn Đăng Thuỷ (người trồng hoa tại Tây Tựu) thừa nhận, mức giá trên thấp hơn 50-60% dịp trước Tết.
“Giá trước Tết còn đủ tiền gốc, có chút lãi. Giờ có vườn không đủ hoà vốn củ ly. Mỗi sào ly cần đầu tư vốn lớn, 80 – 100 triệu đồng. Ngay từ mùng 3-4 Tết, hoa ly chỉ bán được 80.000 - 100.000 đồng/ 10 cành thì lỗ vào nửa vốn. Hàng đẹp nhưng không gặp thời”, ông Thuỷ cho hay.
Vụ hoa trước và sau Tết, lường trước khó khăn, nhiều nhà vườn tại Tây Tựu chủ động giảm 30% diện tích reo trồng. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch thì dịch bệnh bùng phát, nông dân trở tay không kịp. Ngoài thị trường trong nước, người trồng còn trông mong vào khả năng tiêu thụ tại Trung Quốc, khi lễ thanh minh đến gần.
Tại các chợ truyền thống Hà Nội, giá hoa cận Rằm tháng Giêng cũng giảm mạnh. Hoa cúc 20.000 đồng/ 10 bông, hoa hồng 30.000 - 40.000 đồng/ 10 bông. Hoa ly 15.000 - 20.000 đồng/ cành, đồng tiền 30.000 đồng/ 10 bông, … Tiểu thương tại chợ Kim Liên cho biết, hoa sau Tết toàn bộ là hàng mới cắt, mã đẹp, giá rẻ hơn nhiều so các dịp lễ trong năm.
Theo Tiêu dùng