Giá vàng tăng nhẹ
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.760 USD/ounce, tăng 5 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Khu vực kinh tế châu Âu vừa đón nhận các số liệu kinh tế về sản xuất và lạm phát không như mong đợi. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua (PMI) sản xuất khu vực EU tháng 9 đạt mức 58,6, thấp hơn dự báo 58,7 trước đó. Chỉ số CPI lõi tháng 9 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó tháng 8 tăng 1,9%. Chỉ số CPI tháng 9 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 0,5% so với tháng trước.
Tuy nhiên, nền kinh tế Anh cho thấy tín hiệu tích cực hơn, chỉ số nhà quản trị thu mua PMI sản xuất tháng 9 ở mức 57,1, cao hơn dự báo 56,3 trước đó.
Nhìn vào chỉ số quản trị PMI sản xuất khu vực châu Âu giảm nhẹ so với dự báo, cho thấy kinh tế khu vực này đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, khiến cho nhà đầu tư vẫn lựa chọn vàng trong kênh đầu tư an toàn khi thị trường có những rủi ro.
Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh cả chiều tăng và giảm. Đầu tuần, giá vàng đã chịu áp lực lớn đến từ đồng USD tăng giá và lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ lên cao. Nguyên nhân là do đồng USD hưởng lợi bởi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thắt chặt tiền tệ sớm vào tháng 11 tới, và tăng lãi suất đồng USD vào giữa năm 2022. Trong tuần, đã có lúc chỉ số Dollar-Index, đo lường sức mạnh đồng USD trong giỏ những đồng tiền chính thanh toán quốc tế đã tăng lên trên 94,5 điểm. Đồng USD ngày đầu tháng 10 đã vươn lên gần đỉnh cao nhất kể từ đầu năm, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Trong 4 phiên đầu tuần, giá vàng thế giới giảm liên tiếp từ mức 1.758 USD/ounce giá mở cửa tuần, xuống mức 1.727 USD/ounce vào phiên ngày 30/9. Tuy 2 phiên cuối tuần giá vàng bật tăng trở lại, nhưng chỉ nhỉnh hơn đầu tuần có 2 USD/ounce.
Chuyên gia nhận định, giá vàng dù đã tăng trở lại, nhưng xu hướng tăng không chắc chắn. Bởi thị trường đang có những thông tin diễn biến trái chiều. Thực ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực sản xuất tại châu Âu ở mức 58,6 vẫn là mức khá tốt, nên không đáng ngại kinh tế khu vực này suy giảm. Kinh tế tích cực thì vàng sẽ quay đầu đi xuống.
Cùng với đó, chỉ số CPI lõi tháng 9 đã giảm mạnh so với tháng 8, điều này cho thấy những nhận định trước đó của Ngân hàng Trung ương châu Âu rằng lạm phát tăng mạnh chỉ là tạm thời, khi các gói kích thích kinh tế đẩy mạnh vào thị trường. Nếu chỉ số CPI lõi giảm sẽ khiến ngân hàng trung ương sẽ chưa xem xét nâng lãi suất và cắt giảm lượng mua trái phiếu. Do đó, các đồng tiền chính trong giỏ thanh toán quốc tế sẽ giảm giá trị, nhường chỗ cho vàng đi lên.
Thị trường cần chờ đợi thêm các thông tin tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Âu, Mỹ để có góc nhìn toàn diện hơn từ đó đưa ra quyết định đầu tư.
Tuần qua, giá vàng trong nước chỉ có thị trường tự do biến động theo xu hướng thế giới. Còn các doanh nghiệp chủ yếu ít điều chỉnh. Có điều chỉnh lại nghiêng về tăng giá. Hiện nay giá vàng SJC trong nước đang cao hơn vàng thế giới đến 8,5 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế, phí).
Kết tuần, giá vàng SJC tại thị trường tự do đã tăng đến 200.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Vàng SJC tại Doji cũng cao hơn 150.000 đồng/lượng và tại Phú Quý cao hơn 100.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Giá gas tháng 10 tiếp tục tăng 42.000 đồng/bình 12kg
Ngày 30/9, Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương thông báo từ ngày 1/10, giá gas Pacific Petro, City Petro, Vimexco Gas tăng 42.000 đồng/bình loại 12 kg và tăng 157.500 đồng/bình loại 45 kg. Như vậy, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 484.000 đồng/bình 12kg và 1.813.500 đồng/bình 45kg.
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cũng thông tin: từ ngày 1/10, giá gas tăng 42.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 461.500 đồng/bình 12kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam thông báo giá bán PetroVIETNAM Gas tăng 42.000 đồng/bình 12kg và 157.500 đồng/bình 45kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng là 460.900 đồng/bình 12kg và 1.728.670 đồng/bình 45kg.
Đây là tháng thứ 5, giá gas tăng liên tiếp. Trước đó, sau 2 tháng giảm mạnh, vào tháng 6, giá gas bán lẻ trong nước đã quay đầu tăng giá với mức tăng là 14.000 đồng/bình 12kg. Và đến tháng 7/2021, giá gas tiếp tục tăng 30.000 đồng/bình 12kg. Sang tháng 8, giá gas bán lẻ được điều chỉnh tăng thêm 12.000 đồng/bình 12kg. Đến tháng 9, giá gas tăng thêm 2.500 đồng/bình 12kg. Và sang tháng 10, mỗi bình gas loại 12 kg sẽ tăng thêm 42.000 đồng. Như vậy, kể từ tháng 6-10, giá gas đã tăng 8.375 đồng/kg, tương đương mức tăng 100.500 đồng/bình 12kg.
Lý giải giá gas tháng 10/2021 tăng mạnh, các công ty gas cho cho biết do giá gas thế giới giao theo hợp đồng tháng 10 công bố 797,5 USD/tấn, tăng tới 132,5 USD/tấn so với tháng 9. Do đó, các đơn vị kinh doanh gas trong nước phải điều chỉnh tăng giá gas bán lẻ. Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí
TP Hồ Chí Minh: Giá thịt heo bình ổn giảm 10.000 đồng/kg
Theo khảo sát của Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, mức giá giá heo hơi tại một số nguồn trong thời gian qua khá thấp. Tại công ty CP giảm chỉ còn 53.000 đồng/kg, giá tại hộ chăn nuôi ở Đồng Nai là 49.000 - 52.000 đồng/kg trong khi giá tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh là 53.000 - 55.000 đồng/kg.
So với 3 tháng trước, giá heo hơi của CP là 64.500 đồng/kg, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cung cấp giá tại trại của hộ nông dân và trang trại là 65.000 - 67.000 đồng/kg, còn theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh giá heo hơi tại các trại và hộ dân là 66.000 - 67.000 đồng/kg. Như vậy hiện nay giá heo hơi có xu hướng giảm 18%.
Đáng chú ý, dù giá heo hơi có xu hướng giảm nhưng qua thống kê giá bán lẻ các mặt hàng thịt heo tại các hệ thống siêu thị không thuộc điểm bán bình ổn (Lotte, Emart, Vinmart, BigC, Aeon và Mega) chưa thực hiện điều chỉnh giảm giá bán theo xu hướng giảm của giá heo hơi, nguyên nhân một phần do ảnh hưởng chi phí hoạt động phòng chống dịch nhiều. Hiện giá bán lẻ tại các hệ thống siêu thị này tăng nhẹ dưới 1% đến 3% so thời điểm ngày 22/6/2021.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm thịt heo như việc lưu thông và tiêu thụ hàng hóa, các trang trại nuôi heo phải thực hiện giảm giá bán để tiêu thụ số lượng heo có trọng lượng lớn. Việc thực hiện giãn cách cũng làm người dân giảm mạnh tần suất mua sắm, dẫn đến sản lượng thịt heo bán ra giảm mạnh. Doanh nghiệp cũng tốn thêm chi phí phát sinh do thực hiện “3 tại chỗ” trong khi sản lượng bán giảm dẫn tới số lượng giết mổ giảm, làm tăng chi phí giết mổ dây chuyền công nghiệp công suất lớn. Các sản phẩm như đầu lòng, phụ phẩm không tiêu thụ được cũng tác động đến hiệu quả hoạt động của công ty.
Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho rằng, căn cứ quy định nêu trên giá bán lẻ các mặt hàng thịt heo đủ điều kiện điều chỉnh giảm giá. Sở cũng đã trao đổi với các đơn vị chức năng và thống nhất đề xuất giảm giá của các doanh nghiệp là 10.000 đồng/kg cho tất cả các mặt hàng thịt heo pha lóc tham gia Chương trình. Sau khi điều chỉnh như trên thì giá mặt hàng thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường vẫn đảm bảo thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 11-38%. “Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đề nghị các doanh nghiệp rà soát lại toàn bộ chi phí và cân đối với tình hình thị trường để có đề xuất mức điều chỉnh hợp lý” - Sở Tài chính đề nghị.
Như vậy, kể từ ngày 29/9/2021, giá thịt đùi giảm thêm 10.000 đồng/kg còn 119.000 đồng/kg, thịt vai giảm còn 135.000 đồng/kg, thịt cốt lết còn 131.000 đồng/kg, chân giò còn 119.000 đồng/kg, thịt nách còn 117.000 đồng/kg, thịt nạc vai và đùi còn 160.000 đồng/kg, xương đuôi heo còn 95.000 đồng/kg, xương bộ heo còn 65.000 đồng/kg.
Giá trứng gia cầm giảm mạnh
Nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ yếu, giá nhiều loại trứng gia cầm như trứng gà và trứng vịt trên địa bàn TP Cần Thơ hiện giảm thêm từ 5.000 - 10.000 đồng/chục (10 trứng) so với cách nay khoảng 1 tháng. Tính chung, nhiều loại trứng gà và trứng vịt đã giảm mạnh trở lại tổng cộng khoảng 15.000- 20.000 đồng/chục so với thời điểm giá tăng cao kỷ lục vào giữa tháng 7/2021.
Cụ thể, giá vịt tươi bán lẻ tại điểm kinh doanh trứng gia cầm ở mức 28.000 - 30.000 đồng/chục, trong khi cách nay hơn 2 tháng giá lên đến 45.000 - 50.000 đồng/chục. Còn giá trứng gà ác và gà ta bán lẻ ở mức 26.000 - 30.000 đồng/chục; trứng gà công nghiệp có giá 20.000 - 28.000 đồng/chục. Giá trứng giảm trở lại do nguồn cung dồi dào và sức mua giảm. Sau khi nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nới lỏng giãn cách xã hội, thuận lợi đi mua thực phẩm, người tiêu dùng đã không còn mua các loại trứng gia cầm để trữ sẵn trong nhà nên sức mua giảm. Ngoài ra, đã qua Tết Trung thu, các cơ sở sản xuất trứng vịt muối giảm nhu cầu mua trứng vịt làm trứng muối.
Hiện nay, người tiêu dùng TP Cần Thơ dễ dàng tìm mua các loại trứng gia cầm tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ và cửa hàng tạp hóa. Trên địa bàn thành phố cũng đã mở điểm bán hàng bình bình ổn giá và mô hình “mang chợ ra phố” cung cấp các loại rau củ quả, cá thịt và trứng… phục vụ người dân. Với nguồn hàng dồi dào, dự báo giá một số loại trứng gia cầm có khả năng còn giảm.
Hà Nội: Thủy hải sản đồng loạt giảm giá
Sau thời gian tăng giá vì ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều loại thủy hải sản tại hệ thống chợ truyền thống bất ngờ giảm mạnh sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về Điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội trong tình hình mới.
Cụ thể, ghi nhận tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội như Kim Liên (quận Đống Đa), Thành Công (quận Ba Đình), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho thấy các loại thủy sản như cá diêu hồng, rô phi, trắm, chép… giảm giá 10 - 15% so với những ngày TP Hà Nội phân vùng thực hiện giãn cách xã hội.
Chị Thanh Lan tiểu thương kinh doanh thủy sản tại chợ Thành Công chia sẻ, nếu như thời điểm TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, mặt hàng cá rô phi đơn tính loại từ 0,8 - 1 kg/con lên đến 50.000 - 55.000 đồng/kg, site to 60.000 đồng/kg, thì hiện giảm xuống còn 42.000 - 43.000 đồng/kg, loại site to từ 1 - 1,5kg/con giảm xuống còn 45.000 - 47.000 đồng/kg. Không chỉ cá rô phi đơn tính mới giảm giá mà các loại cá khác cũng trong tình trạng tương tự, cụ thể cá trắm đen loại 2 - 4 kg/con hiện chỉ còn 120.000 - 130.000 đồng/kg, trắm cỏ 65.000 đồng/kg, cá chim trắng loại từ 1,5 - 2 kg/con giá 32.000 - 33.000 đồng/kg, loại 2 - 4 kg/con 38.000 - 40.000 đồng/kg, cá nheo 60.000 - 65.000 đồng/kg, cá lăng đen có trọng lượng từ 1,5 - 5kg/con giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, cá chép 58.000 - 63.000 đồng/kg, riêng cá chép giòn 130.000 - 135.000 đồng/kg, cá diêu hồng 70.000 - 75.000 đồng/kg.
Các loại hải sản như ghẹ, tôm hùm, hàu… cũng trong tình trạng tương tự. Đại diện cửa hàng hải sản tươi sống Hải Anh, số 5 phố Đông Tác cho biết, nếu như các loại thủy sản nước ngọt chỉ giảm giá 15 - 17% thì nhiều mặt hàng hải sản tươi sống giảm từ 30 - 35% so với thời điểm trước giãn cách xã hội.
Chẳng hạn với mặt hàng ốc hương size 90 - 100 con/kg, trước khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội có giá 320.000 - 350.000 đồng/kg, nay chỉ hơn 150.000 - 170.000 đồng/kg, hàu sữa đã cậy nắp cũng chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg. Đại diện cửa hàng hải sản Quảng Ninh trên phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa) chia sẻ, 2 - 3 ngày gần đây nhiều loại hải đắt tiền như ghẹ, tôm hùm giá cũng khá "mềm".
“Hiện giá ghẹ xanh loại còn sống site 4 - 5 con/kg chỉ khoảng 310.000 - 320.000 đồng/kg so với thời điểm trước giãn cách dịch là 450.000 - 500.000 đồng/kg, tôm hùm loại 2 con/kg trước đây giá bán lên đến 1 - 1,2 triệu đồng/kg, nhưng nay chỉ còn khoảng 800.000 đồng/kg”-chủ cửa hàng dẫn chứng.
(Theo tieudung.vn)