Mặc dù sản phẩm đã lưu hành ngoài thị trường, đã đến tay người tiêu dùng. Song, Dược sĩ Ngô Thị Yến Nhi - Trưởng Bộ phận Quản lý Chất lượng của Nhà máy Sanofi Việt Nam đã khẳng định, ống Cancium Corbiere chứa “vật lạ” là sản phẩm không đạt tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Hoạt chất bên trong ống Cancium Corbiere bị kết tủa?
Sau khi Chuyên trang Tieudung.vn (báo Kinh tế & Đô thị) đăng tải bài viết: “Thai phụ hoang mang khi phát hiện “vật lạ” trong ống Cancium Corbiere do Sanofi Việt Nam sản xuất”, thì chiều ngày 11/3, đại diện Sanofi Việt Nam đã có buổi tiếp xúc với PV văn phòng đại diện báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh.
Dược sĩ Ngô Thị Yến Nhi - Trưởng Bộ phận Quản lý Chất lượng của Nhà máy Sanofi Việt Nam kiểm tra ống Cancium Corbiere chứa "vật lạ" bằng kính lúp (Ảnh cắt từ clip)
Theo đó, tại buổi làm việc này, Dược sĩ Ngô Thị Yến Nhi, người được giới thiệu là Trưởng Bộ phận Quản lý Chất lượng của Nhà máy Sanofi Việt Nam đã trực tiếp quan sát ống Cancium Corbiere chứa “vật lạ” qua kính lúp.
Cụ thể, sau quá trình quan sát, bà Nhi cho biết, Canxi glucoheptonat là thành phần trong sản phẩm Cancium Corbiere. Trước khi pha chế thành sản phẩm thì nguyên chất của Canxi glucoheptonat là dạng bột trắng. Quá trình pha chế bắt đầu từ việc hòa tan Canxi glucoheptonat trong nước nóng, sau đó cho thêm đường, tá dược và các mùi vị khác… rồi mới tiến hành đưa vào ống.
Liên quan đến Canxi glucoheptonat, bà Nhi dẫn chứng từ tài liệu khoa học từ năm 1976. Thời điểm này, các nhà khoa học đã bắt đầu phát hiện một hiện tượng trong sản phẩm chứa Canxi glucoheptonat. Cụ thể, Canxi glucoheptonat có cấu trúc phân tử luôn luôn tồn tại hai dạng đồng phân alpha (α) và beta (β). Và trong đó, đồng phân alpha có bản chất là luôn muốn quay lại dạng tinh thể (thể rắn) khi gặp điều kiện thuận lợi.
“Trong hoạt chất của Cancium Corbiere luôn luôn có tỷ lệ của alpha, hiện giờ không có một nhà sản xuất hoạt chất nào có thể tách alpha và bêta. Cho nên luôn luôn trong thành phần sẽ có đồng phân alpha và đồng phân beta. Chính đồng phân alpha là nguyên nhân gây ra hiện tượng này”, bà Nhi kết luận.
Ngoài ra, bà Nhi thẳng thắn cho biết, trong quá trình sản xuất, Sanofi Việt Nam đã lường trước được rủi ro này. Cho nên, khi sản xuất sẽ đảm bảo luôn ở nhiệt độ cao để khống chế, hạn chế đồng phân alpha quay trở về dạng nguyên thủy. Tuy nhiên, bà Nhi nhấn mạnh, theo tài liệu khoa học thì khả năng của việc hạn chế này không hoàn toàn, tức là không đảm bảo 100%, khi gặp điều kiện thuận lợi vẫn sẽ bị, chỉ là nhiều hay ít mà thôi.
Khi quan sát bằng kính lúp, ống Cancium Corbiere chứa "vật lạ" khác với ống Cancium Corbiere bình thường (khác ở phần dung dịch bên trong)
Quy trình sản xuất ra ống Cancium Corbiere của Sanofi Việt Nam theo tường trình của Nhi sẽ bắt đầu từ công đoạn cho thuốc vào ống, sau đó đem đi hàn. Một đầu ống đã được nhà cung cấp hàn sẵng, đầu còn lại do Sanofi hàn. Hàn xong, toàn bộ ống thuốc sẽ được đặt lên trên 1 tấm phản quan, để quan sát và nhặt bỏ những ống bị lỗi. Sau đó, tiếp tục úp toàn bộ ống thuốc vô ngược lại trong một cái khay có lỗ để hút chân không. Và quá trình này tiếp tục một lần nữa giúp loại bỏ những ống thuốc bị nứt hoặc có lỗ…
Đến khi bỏ ống thuốc vào vỉ sẽ có người ngồi trên dây chuyền kiểm tra tiếp 1 lần nữa, tức là kiểm tra cảm quan thêm 1 lần cuối cùng, rồi mới bỏ vô hộp. Nhưng khi ra ngoài thị trường, nhiều khi va chạm này nọ, thỉnh thoảng 1 vài ống trong một triệu ống công ty sản xuất ra cũng sẽ bị giống như này”, bà Nhi nói.
Ống Cancium Corbiere chứa "vật lạ” này có đảm bảo chất lượng…?
Với những phân tích bên trên, bà Nhi khẳng định, ống thuốc Cancium Corbiere chứa "vật lạ” bị nứt là điều kiện thuận lợi để cấu trúc alpha quay lại dạng ban đầu, gây ra hiện tượng kết tủa bên trong ống.
Tuy nhiên, khi PV yêu cầu chứng minh vết nứt trên ống thông qua việc quan sát bằng kính lúp thì bà Nhi trả lời đầu ống của ống Cancium Corbiere chứa "vật lạ” và đầu ống Cancium Corbiere bình thường không giống nhau. Đồng thời, bà Nhi giải thích rằng đó là kinh nghiệm của mình khi quan sát qua kính lúp, còn không có một cách khác để chứng minh có vết nứt ngoài việc đem mẫu đi hút chân để thấy dịch đi ra.
Nhìn bằng mắt thường thấy rất rõ "vật lạ" trong ống Cancium Corbiere
Khi PV đặt câu hỏi, vậy lỗi của sản phẩm nằm ở đâu, từ nhà sản xuất hay khi đã ra ngoài thị trường?
Bà nhi trả lời, ống có thể nứt tại vì ống làm bằng thủy tinh. Còn nứt ở đâu thì không trả lời được, và cũng không ai có thể trả lời được.
PV đặt câu hỏi tiếp, ống thuốc có “vật lạ” này chất lượng có như những ống thuốc không lỗi? chất lượng có đúng với tiêu chuẩn của nhà sản xuất công bố không?
Bà Nhi cho biết, dung dịch trong ống thuốc này đã bị chuyển một phần qua thể rắn, lượng còn lại trong dung dịch sẽ không đủ hàm lượng theo tiêu chuẩn.
PV tiếp tục đặt câu hỏi, với sản phẩm bị như vậy, thì người tiêu dùng uống vào có bị ảnh hưởng gì không?
“Cái kết tủa nhìn thấy được, mặc dù nó như vậy, nhưng thực chất đó chính là hoạt chất chứ không phải là cái gì khác. Cái cục đó là tinh thể và nếu lấy ống đó đun cách thủy trong vòng 30 phút thì cái kết tủa đó tan ra và ống đó sẽ trông giống như ống bình thường, về bản chất nó là hoạt chất và nó chuyển từ thể lỏng sang thể rắn”, bà Nhi trả lời.
Liên quan đến nội dung này, chia sẻ với PV báo Kinh tế & Đô thị, một dược sĩ tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, với Canxi glucoheptonat một khi đồng phân alpha quay về thể rắn thì gần như dung dịch còn lại trong ống canxi chỉ là đường và nước.
“Nói một cách dễ hiểu là nếu người tiêu dùng uống ống canxi này, là uống canxi mà không hề có canxi (không bao gồm phần kết tủa, chỉ tính phần dung dịch còn lại)”, vị này nói.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.