“9 tháng ngủ, 3 tháng làm”
12h trưa, nắng như đổ lửa lên mặt đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM). Võ Trường Phụng (SN 1999, nhân viên của một công ty tổ chức sự kiện) lau vội mồ hôi trên mặt rồi ghé vai, khiêng những chiếc loa thùng to tướng xếp chồng lên nhau.
Cách đó không xa, các đồng nghiệp của Phụng hợp lực dựng khung treo đèn sân khấu, kiểm tra màn hình led khổng lồ... Cả nhóm đang nỗ lực hoàn thiện sân khấu cho sự kiện của một nhãn hàng giới thiệu sản phẩm mới dịp cuối năm.
Sâu khấu hoàn thiện, các thiết bị âm thanh, ánh sáng đã được kiểm tra ổn định, Phụng mới thở phào. Tuy vậy, cả nhóm vẫn ở lại nơi làm việc để tổng duyệt chương trình, làm việc với MC, ca sĩ...
Sự kiện kết thúc lúc nửa đêm. Nhóm của Phụng lại tháo thiết bị, chuyển đến một địa điểm khác để lắp đặt, chuẩn bị cho một sự kiện mới.
Anh nói: “Nghề tổ chức sự kiện đặc biệt có nhiều việc vào dịp cuối năm, Tết. Bởi, mùa Tết, sự kiện diễn ra liên tục, chúng tôi làm không hết việc. Do đó, thu nhập vào những ngày này thường rất cao”.
Đồng quan điểm, anh Trần Thanh Cường (SN 1978, giám đốc của một công ty chuyên tổ chức sự kiện tại TP.HCM) cho biết, dịp Tết là thời điểm nghề tổ chức sự kiện vào mùa. Ngày thường, công ty anh chỉ nhận làm các sự kiện tại nhà hàng. Dịp Tết, anh và đồng nghiệp luôn trong trạng thái chạy đua với thời gian.
“Nghề này người ta vẫn nói vui là nghề 9 tháng ngủ, 3 tháng làm. Ba tháng này 3 tháng Tết. Thời điểm này sự kiện diễn ra dồn dập. Chúng tôi liên tục nhận, tổ chức các chương trình lớn, nhỏ như: Sự kiện đếm ngược đón năm mới, tiệc tất niên, các lễ hội, trang trí Tết, đường hoa…
Do công việc quá nhiều nên chúng tôi làm xuyên Tết, không về quây quần với gia đình, vợ con. Suốt những ngày Tết, chúng tôi ăn ngủ tại nơi tổ chức sự kiện và di chuyển liên tục theo sự yêu cầu, đòi hỏi từ khách hàng, công việc”.
Vất vả nhưng thu nhập cao
Anh Phụng cho biết, công việc này vốn dĩ không dành cho người không có sức khỏe. Vào dịp Tết, yêu cầu này lại càng được thể hiện rõ hơn khi gần như ai cũng trong tình trạng đói ngủ, mất sức.
Anh nói: “Có những sự kiện lớn, chúng không 2-3 ngày không được về nhà và gần như không có thời gian ngủ, tắm rửa. Đặc biệt là khi tổ chức các sự kiện tại những khách sạn nổi tiếng, chúng tôi phải tranh thủ từng phút một.
Bởi, thời điểm cận Tết, các khách sạn đã được thuê kín mọi khung giờ. Cùng một sảnh, một gian phòng sẽ diễn ra những sự kiện khác nhau vào những khung giờ khác nhau. Do đó, chúng tôi vừa phải làm thật nhanh nhưng cũng phải thật chính xác để khi vừa xong là có không gian cho đoàn khác vào tổ chức sự kiện của họ”.
Thậm chí, ngay trong đêm, khi vừa kết thúc sự kiện này, những người như Phụng đã phải vận chuyển thiết bị đến một địa điểm khác, chuẩn bị cho một sự kiện khác. Tại đây, các nhân viên này hầu như không kịp nghỉ ngơi, lấy lại sức.
“Để đảm bảo sức khỏe, chúng tôi tự phân chia công việc và thay phiên nhau chợp mắt vài phút. Chúng tôi cứ làm theo kiểu cuốn chiếu như thế cho đến khi qua mùa Tết. Do đó, chúng tôi thường thiếu ngủ và mệt mỏi”, Phụng chia sẻ.
Ngoài mệt mỏi vì thiếu ngủ, lo lắng vì chịu nhiều áp lực, nhân viên tổ chức sự kiện còn thiếu vắng tình thân trong dịp Tết. Nhiều người làm nghề này buộc phải xa vợ con, không về nhà vì làm xuyên Tết.
Tết, Trường Phụng chỉ kịp về quê thắp nén nhang cho người ông quá cố rồi trở lại TP.HCM làm việc. Trong khi đó, anh Hoàng Nam (nhân viên công ty tổ chức sự kiện tại quận 12, TP.HCM) phải chấp nhận cảnh thăm vợ con qua các cuộc gọi video.
Tuy nhiên, những người như Trường Phụng, Hoàng Nam… luôn cảm thấy vui và yêu công việc của mình. Ngoài có mức thu nhập cao hơn ngày bình thường, các nhân viên này cũng có nhiều niềm vui riêng.
“Thu nhập ngày Tết của chúng tôi gấp 3 lần ngày thường. Ngoài ra, chúng tôi cũng có những niềm vui khác như: được ưu tiên đưa người thân đến sự kiện mình tổ chức, trải nghiệm nhiều điều mới lạ, hấp dẫn vào ngày Tết, được gặp gỡ người nổi tiếng…”, anh Nam nói.
Theo Vietnamnet