Ngân hàng là một trong những ngành nghề được nhận định là sẽ có mức thưởng Tết cao.
Lãi lớn, thưởng Tết "rủng rỉnh"
Trong số các ngành nghề được kỳ vọng thưởng Tết năm nay không có nhiều thay đổi so với năm trước là ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, chế biến thực phẩm… Ngành ngân hàng mặc dù rất kín tiếng trong vấn đề thưởng Tết, nhưng theo nhận định, mức thưởng tết của các nhà băng năm nay bình quân khoảng 2 - 4 tháng lương, chưa tính tháng lương thứ 13, do năm nay, nhiều ngân hàng đã vượt chỉ tiêu, mặc dù chưa hết năm.
Đối với ngành chứng khoán, trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2021 tăng trưởng cao. Thanh khoản của thị trường luôn duy trì ở mức hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi phiên, đã mang lại doanh thu môi giới khá cao cho các công ty chứng khoán.
Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán, năm 2021, hầu như các công ty chứng khoán đều vượt kế hoạch năm rất cao. Do đó, thưởng Tết năm nay cũng sẽ "rủng rỉnh" hơn so với năm trước. Ông cho biết, doanh nghiệp của ông cũng đã có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động, với mức tăng khoảng từ 2-3 tháng lương so với năm 2020.
“Năm 2021 có thể coi là một năm làm ăn thịnh vượng của ngành chứng khoán, nên việc tăng thưởng Tết cho người lao động là lẽ đương nhiên. Những năm trước lợi nhuận không cao, doanh nghiệp chỉ thưởng tháng lương thứ 13, nhưng người lao động vẫn chấp nhận và chia sẻ. Năm nay, lợi nhuận tốt hơn, nên công ty quyết định tăng tiền thưởng vừa để chia sẻ với người lao động, cũng là để giữ chân người lao động đã gắn bó với doanh nghiệp trong thời gian khó khăn”, vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Tương tự, lãnh đạo Công ty CP Sài Gòn Food cho biết, mặc dù năm 2021, công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phải sản xuất cầm chừng khi thực hiện “3 tại chỗ”, chi phí đội lên rất cao, ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhưng công ty vẫn duy trì mức thưởng Tết 2 tháng lương cho người lao động . Ngoài ra, công ty cũng có các phần quà cho công nhân đón Tết.
Mặc dù khó khăn do dịch bệnh, nhưng Công ty CP Sài Gòn Food vẫn duy trì mức thưởng Tết 2 tháng lương cho người lao động - Ảnh Sài Gòn Food
Bà Nguyễn Thị Thu Trinh – Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food cho biết, năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế chưa thật sự khởi sắc, nhưng Sài Gòn Food vẫn lỗ lực đặt mục tiêu doanh số đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Riêng trong mùa Tết nguyên đán Nhâm Dần, công ty dữ trữ 3.000 tấn sản phẩm, tăng 2% so với mùa Tết Tân Sửu. Ngoài ra, công ty cũng đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới có thể dùng ngay, rất tiện lợi cho người tiêu dùng trong dịp Tết.
“Mặc dù năm nay gặp nhiều khó khăn, nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết như mọi năm, tương đương với 2 tháng lương, cùng nhiều phần quà khác, để giúp người lao động yên tâm làm việc và đón một cái Tết ấm áp sau một năm chịu nhiều áp lực vì dịch bệnh”, bà Thu Trinh chia sẻ.
Thưởng ít, nhưng vẫn còn may mắn
Gắn bó với doanh nghiệp gần 10 năm, nhưng năm nay có lẽ là một năm chị Nguyễn Thị Mai, công nhân một doanh nghiệp ngành dệt may trong Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM nhận mức thưởng Tết thấp nhất trong suốt quãng thời gian chị làm việc cho doanh nghiệp.
Chị Mai cho biết, mọi năm khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, thưởng Tết của chị từ 1,5 – 2 tháng lương, nhưng năm nay, công ty thông báo chỉ thưởng 1 tháng lương thứ 13. Riêng đối với những công nhân tham gia “3 tại chỗ” trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi, công ty sẽ có chế độ thưởng thêm.
Mặc dù nhận mức thưởng Tết thấp hơn mọi năm, nhưng chị Mai cho rằng, vẫn còn may mắn vì còn được nhận thưởng Tết. Bởi năm nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, để có thể thưởng Tết cho hàng nghìn lao động với mức thưởng 1 tháng lương thứ 13 cũng đã là một cố gắng rất lớn của doanh nghiệp.
“Năm nay hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, mình còn được nhận thưởng Tết là may mắn rồi, mặc dù không bằng mọi năm nhưng mình vẫn cảm thấy vui. Đây cũng là sự cố gắng chăm lo của doanh nghiệp. Tết này chi tiêu tiết kiệm một chút, chắc cũng sẽ ổn thôi”, chị Mai chia sẻ.
Bà Tạ Thị Tố Trinh – Chủ tịch Công đoàn Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP.HCM trao túi anh sinh cho Đoàn viên công đoàn gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: Hồng Đào.
Bà Tạ Thị Tố Trinh – Chủ tịch Công đoàn Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP.HCM , đơn vị hiện đang quản lý 31 Công đoàn cơ sở cho biết, theo báo cáo của các Công đoàn cơ sở gửi về, mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần của các doanh nghiệp khối FDI bình quân là 15 triệu đồng/người; các doanh nghiệp khác có mức thưởng bình quân là 10 triệu đồng/người.
“Mặc dù năm nay, các doanh nghiệp trong Khối đều gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng hầu như doanh nghiệp nào cũng cố gắng chăm lo cho người lao động. Mức thưởng Tết bình quân năm nay vì thế mà cũng không bị giảm đi so với năm trước”, bà Tố Trinh chia sẻ.
Theo bà Trinh, ngoài sự chăm lo của các doanh nghiệp, Công đoàn Khối cũng đã có kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động trong Khối. Cụ thể, tổ chức chương trình “Tết sum vầy” mừng Xuân Nhâm Dần năm 2022; thăm, tặng quà cho doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách và chăm lo cho công nhân, lao động; thăm và tặng quà cho công nhân có hoàn cành khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán (mỗi phần quà gồm quà và tiền mặt, trị giá 1.000.000 đồng), với tổng hơn 200 phần quà.
“Công đoàn Khối sẽ thực hiện các chương trình chăm lo thiết thực cho Đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động nhân dịp tết Nhâm Dần 2022, với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”. Qua đó, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn nhằm động viên đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhất là đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, bà Tạ Thị Tố Trinh chia sẻ.
Diễn đàn doanh nghiệp