Liên quan tới việc gần đây người dân nhận được tin nhắn thuộc các đầu số Vinaphone, Viettel, Mobifone thậm chí cả cuộc gọi xưng là nhân viên tổng đài thông báo "cập nhật lại thông tin thuê bao".
Nhiều người lo lắng đó là tin nhắn lừa đảo nên không thực hiện theo yêu cầu. Phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông, để làm rõ.
+ Phóng viên: Trước việc người dân nhận được thông báo "cập nhật lại thông tin thuê bao" bằng điện thoại hoặc tin nhắn, ông cho biết cách nhận biết đâu là thông báo thật?
- Ông Nguyễn Phong Nhã: Bộ Thông tin - Truyền thông đã hỗ trợ các doanh nghiệp đăng tải kênh thông tin, chuẩn hóa của các doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Bộ theo đường link https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/157677/Bo-TT-TT-huong-dan-cach-chuan-hoa-thong-tin-thue-bao.html để được hướng dẫn chi tiết. Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tra cứu, trao đổi với các kênh chính thức của các nhà mạng.
Người sử dụng có thể gọi điện đến số điện thoại chăm sóc khách hàng của nhà mạng Viettel 024 6266 0198; Vinaphone 18001091; Mobifone: 18001090 hoặc số 9090 để được hỗ trợ.
Cục Viễn thông hay các đơn vị của Bộ Thông tin - Truyền thông cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước KHÔNG gọi điện tới người dân yêu cầu chuẩn hóa thông tin. Thông báo đề nghị chuẩn hóa chỉ được thực hiện bởi các kênh chính thức của các nhà mạng di động.
Người dùng cũng cần lưu ý việc chuẩn hóa là hoàn toàn miễn phí, không có nội dung nào yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng, tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu (nếu có) liên quan đến chuyển tiền, cung cấp số tài khoản ngân hàng gắn với việc chuẩn hóa thông tin.
+ Ông có thể hướng dẫn người dùng cách đơn giản để biết thuê bao của mình có cần phải cập nhật hay không?
- Bên cạnh việc kiểm tra xem có nhận được thông báo đề nghị chuẩn hóa thông tin từ các kênh chính thức của nhà mạng, người dùng có thể nhắn tin tới số 1414 với cú pháp TTTB (hoàn toàn miễn phí) để biết được thuê bao của mình đã có thông tin đúng và đầy đủ chưa.
Các cách chuẩn hóa đang được nhà mạng triển khai là sử dụng ứng dụng của nhà mạng được cài trên điện thoại thông minh hoặc trên website chính thức của nhà mạng hoặc tại điểm cung cấp dịch vụ chính thức của nhà mạng.
Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng rà soát và đăng danh sách các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên trang web của mình để người người sử dụng chủ động tìm hiểu.
Thông tin liên hệ chính thống của các mạng cũng đã được Bộ Thông tin - Truyền thông đăng tải trên cổng thông tin của Bộ: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/157677/Bo-TT-TT-huong-dan-cach-chuan-hoa-thong-tin-thue-bao.html
+ Thưa ông, có bao nhiêu thuê bao cần phải cập nhật trong đợt này?
- Trong tháng 3 này, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao của các nhà mạng sẽ tập trung vào tập thuê bao bị nghi ngờ có thông tin không đúng, không chuẩn xác sau đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (ước tính khoảng 4 triệu thuê bao).
Các nhà mạng sẽ phải rà soát phân loại, cá thể hóa theo từng nhóm thuê bao cần chuẩn hoá để truyền thông, thông báo (qua tin nhắn, cuộc gọi từ các số CSKH chính thức của nhà mạng) bảo đảm người dân tiếp cận đầy đủ thông tin, dễ dàng cập nhật, chuẩn hóa, đồng thời cũng cần tránh làm phiền khách hàng đã có thông tin thuê bao đúng.
+ Nhiều người dùng thắc mắc, vì sao họ phải chuẩn hóa thông tin trong khi trước giờ vẫn dùng số điện thoại đó bình thường?
- Công tác chuẩn hoá thông tin thuê bao, bảo đảm thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động được quản lý đầy đủ, chính xác, có vai trò hết sức quan trọng. Đợt chuẩn hoá lần này có điểm khác so với các lần trước đây:
Trước đây việc chuẩn hóa mới chỉ dừng ở mức đối chiếu, bảo đảm sự đầy đủ, trùng khớp giữa thông tin được khách hàng cung cấp khi đăng ký SIM và thông tin lưu trữ tại nhà mạng.
Lần này, sau khi chúng ta đã có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm dữ liệu "gốc" để đối chiếu, xác thực nên việc chuẩn hóa hướng tới mục tiêu bảo đảm thông tin thuê bao thông tin đúng quy định và trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau khi đối soát.
Hiện nay càng ngày càng nhiều người sử dụng điện thoại thông minh, các dịch vụ chuyển tiền, mua sắm, thực hiện các giao dịch quan trọng đều thông qua số điện thoại thì nguy cơ bị lừa đảo càng dễ xảy ra. Nếu người sử dụng dùng số điện thoại mang tên người khác để làm số liên lạc thì thực sự không an toàn cho người sử dụng; ngoài ra những những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục, quảng cáo không đúng sự thật hoàn toàn có thể thực hiện thông qua các số điện thoại có thông tin không đúng quy định.
Do vậy, để góp phần tạo dựng một môi trường dịch vụ an toàn, giảm thiểu những nguy cơ, rất mong người sử dụng thuê bao di động có thể phối hợp với các nhà mạng để chuẩn hóa thông tin để chung tay tạo dựng một môi trường văn minh, an toàn.
Tính đến ngày 18-3, theo báo cáo nhanh của các nhà mạng đã có hơn 750.000 khách hàng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Con số này cho thấy người sử dụng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm thông tin của số điện thoại mình đang sử dụng và phối hợp cùng nhà mạng thực hiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao.