VN-Index có thể nhanh chóng bứt phá để hướng đến các vùng giá cao hơn
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 11/4 đến ngày 15/4, VN-Index giảm 43,79 điểm (-2,91%) xuống mốc 1.458,56 điểm. Thanh khoản giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 21.377 tỷ đồng trên HSX, giảm mạnh 19,2% so với tuần giao dịch trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm 24,90 điểm (-5,64%) xuống mốc 416,71 điểm.
Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường, nhiều nhóm ngành ghi nhận mức giảm mạnh trong tuần vừa rồi như: Thép (-10,4%), Chứng khoán (-9,2%), Bất động sản (-6,8%), Dầu khí (-5,9%). Nhóm ngân hàng cũng ghi nhận mức giảm sâu (-4,6%), do nhà đầu tư lo ngại lãi suất tăng có thể ảnh hưởng đến NIM của ngành và nhu cầu tín dụng trong các quý tới. Mặc dù vậy, vẫn có một số ngành lội ngược dòng xu hướng thị trường, thậm chí ghi nhận mức tăng mạnh như: Thủy sản (+8,8%), Dệt may (+4,3%), Bán lẻ (+3,9%) và Bảo hiểm (+1,8%).
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), tuần qua, mặc dù chỉ giao dịch 4 phiên nhưng nếu tính trung bình từng phiên và thanh khoản khớp lệnh cũng đi xuống thể hiện việc dòng tiền vẫn đang do dự ở thời điểm hiện tại.
“Với diễn biến hiện tại thì khá là khó để trong tuần giao dịch này 18/4-22/4, thị trường có thể nhanh chóng bứt phá để hướng đến các vùng giá cao hơn mà có thể sẽ cần lùi về các vùng giá thấp để tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Nếu cầu bắt đáy là đủ tốt thể hiện qua việc thanh khoản được cải thiện thì thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index có thể hồi phục trở lại. Nhà đầu tư đã tham gia mua vào trong phiên 13/4 khi thị trường test hỗ trợ 1.425-1.450 điểm có thể tiếp tục nắm giữ và gia tăng tỷ trọng nếu một lần nữa VN-Index test lại vùng này”, chuyên gia của SHS nhận định.
Thị trường vẫn đang nỗ lực duy trì trong vùng sideway 142x-153x
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), phiên giảm điểm cuối tuần cộng với mức giảm chung của tuần qua là tương đối tiêu cực. Đà giảm chung trong tuần qua khiến đa số cổ phiếu có mức giảm khá mạnh gây ra mức thiệt hại phổ biến từ 15-30%. Ở chiều ngược lại, số lượng cổ phiếu mang lại mức lợi nhuận 10-15% chiếm thiểu số.
“Đa số các thành phần tham gia thị trường đang chịu mất mát nhiều hơn là kiếm được lợi nhuận. Do đó, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn đang nỗ lực duy trì trong vùng sideway 142x-153x và chưa có áp lực phá vỡ kênh dưới của vùng hỗ trợ. Danh mục theo chúng tôi nên tiếp tục ở trạng thái cân bằng, sử dụng ít vay nợ và nên hướng về các cổ phiếu có yếu tố cơ bản. Đối với các nhà đầu tư theo mục tiêu đầu tư trung và dài hạn chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để chọn lọc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu”, chuyên gia của TVSI nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Trần Xuân Bách, chuyên gia Phân tích và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, VN-Index đã giảm về vùng hỗ trợ 1.455-1.460 điểm. Sau 3 phiên giảm điểm mạnh trước đó, thị trường sẽ cần thời gian dao động swing để tạo vùng giá cân bằng ngắn hạn trước khi phát đi những tín hiệu về hướng đi kế tiếp. Chuyên gia của BVSC kỳ vọng VN-Index sẽ một lần nữa cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại khi lùi về kiểm định vùng hỗ trợ quanh 1.455-1.460 điểm.
“Mặc dù vậy, chúng tôi cũng cảnh báo kịch bản tiêu cực có thể xảy ra nếu thanh khoản tiếp tục suy yếu và nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực hơn. Trong kịch bản này, chỉ số có thể sẽ phá vỡ vùng hỗ trợ quanh 1.455 điểm và đối mặt với rủi ro hình thành xu hướng giảm ngắn hạn”, ông Trần Xuân Bách lo ngại.
Do đó, ông Bách khuyến nghị nhà đầu tư vẫn nên hạn chế giải ngân và tiếp tục giữ vị thế quan sát thị trường trong những phiên đầu tuần này. Đối với các vị thế đang có sẵn trong danh mục, nhà đầu tư nên ưu tiên kiếm soát rủi ro bằng cách sử dụng lệnh trailing stoploss để đảm bảo sự an toàn cho danh mục trước những biến động bất ngờ theo hướng không tích cực của thị trường./.