Chốt phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG giảm 6,52% về 890.000 đồng/cổ phiếu, mỗi cổ phiếu "bốc hơi" 62.100 đồng. Tính riêng phiên giao dịch này, vốn hóa thị trường VNG đã bị cuốn trôi hơn 2.200 tỷ đồng.
Quan sát diễn biến thị trường, có thể thấy mã VNZ bắt đầu chuỗi lao dốc từ ngày 16/2, với mức giảm 4,32%, tương ứng mỗi cổ phiếu mất 58.700 đồng. Đây là phiên giảm giá đầu tiên sau chuỗi 11 phiên tăng trần nâng giá cổ phiếu lên mức cao nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt. Kết phiên 16/2, thị giá VNZ dừng ở mức 1,3 triệu đồng/cổ phiếu, qua đó khiến vốn hóa giảm hơn 301 tỷ đồng.
Đáng chú ý, phiên giảm giá bất ngờ diễn ra chỉ 1 ngày sau khi VNZ ra văn bản giải trình lần 2 cho việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp tính từ 8/2. Văn bản lần này VNZ tiếp tục cho biết giá tăng liên tiếp hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán, thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. VNG không có bất kỳ can thiệp nào và hoạt động công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
Đà giảm lan rộng ra các phiên tiếp theo, nhất là ngày 20/2, cổ phiếu của công ty chuyên về game "nằm sàn" khi để mất 184.600 đồng và mất mốc 1 triệu đồng/cổ phiếu. Tính chung từ 15/2 đến nay, cổ phiếu VNG giảm tới 24,67%, khiến mỗi cổ phiếu "bay" 291.500 đồng.
VNZ là một trong số cổ phiếu gây chú ý nhiều nhất trên sàn chứng khoán gần đây bởi đà tăng chóng mặt sau khi lên sàn và xác lập kỷ lục mới trong lịch sử thị trường với mức trên 1 triệu đồng/cổ phiếu. Theo đó, từ mức 240.000 đồng/cổ phiếu khi bắt đầu sóng tăng vào 1/2, thị giá VNZ đã đạt đỉnh 1.358.700 đồng/cổ phiếu vào phiên 15/2, tương ứng mức tăng hơn 4,66 lần, trở thành cổ phiếu đắt nhất sàn. Định giá của VNG đạt 48.701,6 tỷ đồng, tương ứng 2,06 tỷ USD trong phiên này. Nhưng trước khi có chuỗi tăng trần trên, cổ phiếu VNZ trải qua 14 phiên liên tục không có giao dịch (kể từ khi chào sàn vào 5/1). Trong 7/11 phiên tăng trần, chỉ có 100 cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.
VNG (tiền thân là Vinagame) là doanh nghiệp chuyên phát hành trò chơi trực tuyến; cung cấp các sản phẩm công nghệ như dịch vụ đám mây, cổng thanh toán điện tử (ZaloPay) hay nền tảng di động Zalo... Cổ phiếu VNG được đăng ký giao dịch cổ phiếu (sàn UPCoM) với mã VNZ và ngày giao dịch chính thức 5/1.
Đáng chú ý, trong khi giá cổ phiếu chào sàn cao ngất và liên tục tăng trần thì kết quả kinh doanh của công ty không mấy khả quan. Báo cáo tài chính quý IV/2022 của VNG cho thấy lỗ luỹ kế sau thuế năm 2022 hơn 1.315 tỷ đồng và là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của VNG. Riêng công ty mẹ lỗ luỹ kế hơn 858 tỷ đồng.
Doanh thu thuần của VNG quý IV tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2.037 tỷ; doanh thu cả năm đạt hơn 7.800 tỷ đồng; lợi nhuận gộp cả năm đạt 3.460 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chi phí đều âm mạnh khiến cho VNG lỗ đậm.
Trong năm 2022, VNG rót thêm hơn 1.000 tỷ đồng vào các startup, nhưng trong danh mục, chỉ có khoản đầu tư vào Dayone ghi nhận lãi trong năm. Tính đến hết năm 2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỷ đồng.
Lãnh đạo đăng ký bán cổ phiếu khi thị giá giảm liên tiếp
Bà Trương Thị Thanh, Thành viên Ban Kiểm soát (BKS) VNG, đăng ký bán 2.000 cổ phiếu theo hình thức thỏa thuận. Thời gian giao dịch dự kiến từ 23/2-23/3.
Trước giao dịch, bà Thanh nắm giữ 36.283 cổ phiếu VNZ, tương ứng tỷ lệ sở hữu 0,13%.