Theo đó, người mua cần cài đặt ứng dụng Grab, đặt hàng các gói theo nhu cầu tại các siêu thị, cửa hàng trong địa bàn cư trú và đại diện UBND phường sẽ giao hàng đến tận nhà cho người dân.
Trước đó, Grab kiến nghị Sở Công thương TP.HCM để cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab tại TP.Thủ Đức và 7 quận, huyện mà shipper không được phép hoạt động. Người dùng sẽ vào mục GrabMart chọn mặt hàng tại các điểm bán gần khu vực sinh sống.
Ngày 28.8, đại điện Sở Công thương TP.HCM lưu ý, các địa phương đang phối hợp Grab đặt hàng đi chợ hộ là đang tận dụng app này - vốn được người dân sử dụng nhiều - để đăng ký mua hàng. “Người dân lưu ý là Grab chỉ hỗ trợ cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho lực lượng đi chợ hộ tại các địa phương, kết hợp với đơn vị cung ứng hàng hóa và người dân tại các vùng cam và vùng đỏ. Grab không đi giao hàng trong thời điểm này”, đại diện Sở Công thương thông tin.
Sở Công thương cho biết đang khuyến khích 7 quận huyện shipper không được phép hoạt động sớm phối hợp với Grab, sử dụng hạ tầng phần mềm miễn phí từ doanh nghiệp để các tổ, nhóm, tổ chức đi chợ hộ giúp dân có thể phối hợp với các siêu thị, cửa hàng giao hàng hóa nhanh, an toàn và tiện dụng hơn đến dân trong thời gian giãn cách. Quan điểm của Sở là khuyến khích dân có thể sử dụng hạ tầng công nghệ Grab để đặt hàng tiện lợi hơn, không cấm việc tự đặt hàng theo kênh khác.
Thực tế, hiện các chuỗi bán lẻ và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm vẫn không thể đáp ứng từng đơn lẻ cho khách hàng. Ngày 28.8, đại diện MM Mega Market (có 2 siêu thị lớn tại TP.Thủ Đức) cho biết, siêu thị có xe tải nhỏ giao hàng đến từng khu vực, không giao lẻ vì nguồn nhân lực không đủ. Hiện nhân viên được cấp giấy phép đi đường rất ít nên ảnh hưởng khá nhiều đến nhân lực vận hành các công việc cần thiết tại siêu thị. Thế nên, giải pháp chung vẫn là giao tiếp hàng với người đại diện nhóm dân cư, khu dân cư, tổ dân phố…
“Một trong những thế mạnh của MM là nguồn thực phẩm tươi sống được phân phối từ nguồn nguyên liệu tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt có các trạm trung chuyển đặt tại Đà Lạt chuyên cung cấp rau củ quả, tại Đồng Nai cho mặt hàng thịt heo, tại Tiền Giang cho mặt hàng trái cây và tại Cần Thơ cho các mặt hàng cá, hải sản. Nhờ sự kết nối của Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, chúng tôi đã mở rộng được mạng lưới nhà cung cấp hàng nông, thủy hải sản trên cả nước và đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổ công tác 970 thường xuyên cập nhật thông tin về nhà cung cấp, loại trái cây đang vào vụ thu hoạch và cần doanh nghiệp chung tay tiêu thụ”, đại diện MM Mega Market cho biết.
Nguồn Thanh Niên