Giá nông sản ngày 22/9: Cà phê cao nhất 40.800 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 39.800 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 39.900 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.700 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 40.700 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 40.600 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 40.700 đồng/kg, 40.600 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.700 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 39.800 - 40.800 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tăng trở lại. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 11/2021 được ghi nhận tại mức 2.160 USD/tấn sau khi tăng 0,37% (tương đương 8 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 12/2021 tại New York đạt mức 186,15 US cent/pound, tăng 0,40% (tương đương 0,75 US cent).
Trong 10 năm qua, tăng trưởng trung bình tiêu dùng cà phê của thế giới là 1,9%/năm. Đối với niên vụ cà phê 2020-2021, tiêu thụ ở các nước nhập khẩu dự kiến sẽ tăng 2,3%, lên 116,5 triệu bao; trong khi tiêu thụ nội địa ở các nước sản xuất cà phê dự kiến sẽ tăng 1% lên 50,5 triệu bao.
Tỷ trọng tiêu thụ nội địa ở các nước sản xuất cà phê chiếm 30,2% trong tổng tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2020-2021, con số này dự kiến sẽ cao hơn nữa trong tương lai do mức sống của người dân ngày càng tăng.
Như vậy cán cân cung - cầu cà phê thế giới dự kiến sẽ thắt chặt do tổng cung được dự báo chỉ cao hơn 1,6% so với nhu cầu trong niên vụ 2020-2021, thấp hơn so với mức 3,1% trong niên vụ 2019-2020.
Với việc nguồn cung từ Brazil sẽ giảm đáng kể do ảnh hưởng của đợt băng giá gần đây và các vấn đề về khí hậu ở nhiều nước xuất khẩu khác, tổng nguồn cung cà phê thế giới có thể sẽ giảm xuống dưới mức tiêu thụ thế giới trong niên vụ 2021-2022.
Giá nông sản ngày 22/9: Tiêu đồng loạt tăng 500 đồng/kg. Ảnh: Tư Êban
Giá nông sản ngày 22/9: Tiêu đồng loạt tăng 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay tăng 500 đồng/kg lên mức 79.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai giá tiêu hôm nay cũng tăng 500 đồng/kg, hiện được thu mua với mức 77.500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay tăng 500 đồng/kg lên lần lượt 79.500 đồng/kg và 81.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 77.500 - 81.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu tăng trong thời gian qua đã mang lại nhiều hưng phấn cho nông dân, nhưng đồng thời chi phí của các yếu tố đầu vào cũng đang có dấu hiệu gia tăng.
Với mức giá hiện nay, khả năng đầu tư các vườn tiêu vẫn là bài toán khó đối với các hộ dân thiếu nguồn lực tài chính.
Nếu nông dân vay cho mục đích tái đầu tư và kỳ vọng thu bói trong 3-4 năm, thì khả năng rủi ro rất cao khi biến động thị trường và ảnh hưởng thời tiết khó có thể dự báo trước.
Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết Bộ NN&PTNT hướng dẫn quy hoạch diện tích hồ tiêu đến năm 2025 ổn định ở mức 110 -120 nghìn ha, tương đương sản lượng 237 - 256 nghìn tấn.
Trước đó, giai đoạn 2013 - 2014, giá tiêu thế giới chạm đỉnh 10.000 USD/tấn, giá tiêu nội địa cũng tăng lên 220.000 - 230.000 đồng/kg. Nhìn thấy tiềm năng của "vàng đen", người dân ồ ạt trồng, ngay cả trên những vùng không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu.
Cùng giai đoạn này, người dân Indonesia, Brazil cũng mở rộng diện tích. Tuy nhiên, chu kỳ cây tiêu cần 2 – 3 năm mới cho thu hoạch.
Đến giai đoạn 2017 - 2018, ngành tiêu thế giới rơi vào khủng hoảng dư cung, giá tiêu lao dốc xuống 40.000 – 45.000 đồng/kg, giảm hơn 5 lần so với thời kỳ đỉnh cao, nông dân điêu đứng, bán nhà, bán đất vì tiêu. Do đó, các địa phương và người dân cần cân nhắc các yếu tố trước khi mở rộng diện tích.
"Đối với diện tích tiêu chết vì bệnh, người dân không nên trồng lại nữa và chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn.
Bên cạnh đó, cần xem điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại vùng trồng có thích hợp với cây hồ tiêu hay không? Và đặc biệt, quy trình trồng hồ tiêu phải chú trọng đến yếu tố an toàn, bền vững", ông Hải khuyến cáo.
VPA cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm chỉ đạo Cục Trồng trọt thống kê diện tích và sản lượng hồ tiêu trên cả nước, để các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh phù hợp và các khuyến cáo đưa ra kịp thời, trước tình hình diện tích có thể tăng và nguy cơ khủng hoảng ngành hồ tiêu có khả năng tái diễn khi giá hồ tiêu tăng cao.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, năm 2020 diện tích hồ tiêu cả nước đạt 131 nghìn ha, tăng 2,5 lần so với năm 2010 nhưng giảm 15% so với thời kỳ phát triển nóng năm 2017.
Theo Tiêu Dùng (tieudung.vn)