Bộ Công Thương cũng đề nghị các Sở Công Thương tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu trong trường hợp có dịch bệnh và cho dịp Tết, triển khai các biện pháp bình ổn thị trường; chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) kinh doanh, sản xuất dự trữ đầy đủ, có phương án bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm, đồng thời hướng dẫn các chợ dân sinh, chợ đầu mối triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.

Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo Cục QLTT các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến nhiều mặt, dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm 2021 sẽ giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Vụ Thị trường trong nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán; tạo điều kiện cho địa phương, DN triển khai chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại.

Không để thiếu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Bộ Công Thương yêu cầu bảo đảm nguồn cung hàng hóa dịp Tết Nguyên đán sắp tới

 
 

Đến nay, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã kích hoạt các phương án cung ứng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết sở đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất - kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng, triển khai phương án dự trữ hàng hóa, bảo đảm đủ nguồn hàng phục vụ Tết; tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 39.000 tỉ đồng.

Bên cạnh các kênh bán hàng hiện hữu, Sở Công Thương Hà Nội còn chuẩn bị để trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện làm kho và điểm bán hàng lưu động. Ngoài ra, sở còn triển khai tổ chức các điểm bán hàng, phiên chợ, các chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi.

Về phía DN, bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán với giá trị hàng hóa tương đương Tết 2021. Để thích ứng với dịch bệnh, DN đã đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến phục vụ khách hàng, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Bài và ảnh: Minh Chiến (theo NLĐ)