Chứng khoán trong nước vừa trải qua tuần biến động mạnh theo đà rơi của thị trường quốc tế bởi sự kiện chính trị tại Ukraine. VN-Index mất tổng cộng 38,79 điểm (-2.58%) để rơi về 1.466,54 điểm.
Giá trị vốn hóa sàn HoSE theo đó bốc hơi gần 153.000 tỷ đồng trong tuần 7-11/3 (khoảng 6,7 tỷ USD), xuống còn gần 5,8 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó đà bán cũng xuất hiện trên sàn niêm yết HNX khi chỉ số đại diện mất 8,39 điểm (-1,86%) xuống 442,2 điểm. Ngược lại sàn đại chúng chưa niêm yết UPCoM-Index lại tăng 2,08 điểm (1,84%) lên 115,37 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE đạt hơn 845 triệu cổ phiếu/phiên, tăng hơn 1% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX còn tăng mạnh 21,7% lên mức trung bình gần 141 triệu cổ phiếu/phiên.
Thị trường niêm yết chứng kiến lực bán mạnh hầu như xuyên suốt các phiên giao dịch. Một trong những lực bán mạnh đến từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể khối ngoại mua vào 121 triệu cổ phiếu có trị giá 5.913 tỷ đồng và ngược lại bán ra 233 triệu cổ phiếu có giá trị 11.182 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 112,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán lên đến 5.269 tỷ đồng.
Đây cũng là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp của khối ngoại với giá trị đột biến 5.343 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với mức bán trong tuần trước đó và lực bán mạnh nhất kể từ thời điểm giữa tháng 8/2021 đến nay.
Trong khi đó nhà đầu tư nước ngoài trên sàn niêm yết HNX thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng.
Cụ thể nhóm này mua vào số cổ phiếu trị giá gần 93 tỷ đồng (giảm 25% so với tuần liền trước) và bán ra 137 tỷ đồng (tăng 3%), tương đương giá trị bán ròng gần 44 tỷ đồng trên HNX.
Còn trên thị trường chưa niêm yết UPCoM, khối ngoại lại thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp. Giá trị mua ròng tương ứng gần 118 tỷ đồng, tăng 26% so với tuần liền trước.
Xét riêng từng mã, cổ phiếu HPG của Hòa Phát bị bán ròng lớn nhất tuần qua với giá trị gần 657 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán 13,2 triệu cổ phiếu.
Tiếp đến là chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị nhà đầu tư ngoại rút ròng khoảng 464 tỷ đồng, tương đương bán ra 16,35 triệu chứng chỉ quỹ.
Hàng loạt mã bluechip khác cũng bị nước ngoài bán tháo với giá trị rút ròng hàng trăm tỷ đồng. Một số mã lớn như VHM của Vinhomes, MSN của Masan Group, NVL của Novaland, VIC của Vingroup hay VNM của Vinamilk...
Ở chiều ngược lại cổ phiếu STB của Sacombank được mua ròng lớn nhất với khối lượng hơn 3,25 triệu đơn vị, tương ứng giá trị mua ròng 103,5 tỷ đồng.
Một thông tin đáng chú ý là quỹ ngoại Dragon Capital gần đây thông báo gom 1,25 triệu cổ phiếu STB trong ngày 10/3 để nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên 5,05% và chính thức trở thành cổ đông lớn của nhà băng này.
Được mua ròng lớn tiếp theo là NKG của Thép Nam Kim với giá trị hơn trăm tỷ đồng, tương đương khối lượng xấp xỉ 2 triệu cổ phiếu.
Theo VTC