Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Sarah Schlichter thông tin để giữ lượng đường trong máu ổn định, mọi người nên ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, protein và carbs phức tạp đồng thời giảm thiểu thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung. Chế độ ăn này có lợi cho cả tinh thần và cơ thể.
Nhưng ăn để cân bằng lượng đường trong máu chỉ là một phần, bạn cũng phải tính đến các loại thức uống. Giống như thực phẩm, có một số đồ uống hỗ trợ ổn định lượng đường trong máu trong khi những loại khác gây rối loạn đường huyết.
Hai loại đồ uống tốt nhất
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Kiran Campbell chia sẻ, cần ưu tiên hai loại nước uống nếu mục tiêu sức khỏe của bạn là kiểm soát lượng đường trong máu.
Nước lọc
47% người Mỹ không uống đủ nước, thức uống mà chuyên gia Campbell cho rằng quan trọng nhất để kiểm soát lượng đường trong máu. Cô giải thích: “Nước không làm tăng hay giảm lượng đường trong máu của bạn nhưng có thể ngăn ngừa tăng đường huyết bằng cách điều chỉnh các hormone có thể ảnh hưởng đến quá trình ổn định glucose và sản xuất nước tiểu”.
Ngoài ra, việc mất nước có thể khiến lượng đường trong máu trở nên quá cô đặc.
Cơ thể cũng không hoạt động trơn tru trừ khi được cung cấp đủ nước. Chuyên gia Campbell nói: “Vì vậy, nước nên là lựa chọn đồ uống số một, bất kể lượng đường trong máu là bao nhiêu hay một người mắc bệnh gì”.
Trà xanh không đường
Chuyên gia Campbell thông tin, loại đồ uống có thể làm giảm lượng đường trong máu là trà xanh không đường. Cô chỉ ra một nghiên cứu khoa học cho thấy những người uống trà xanh nhận thấy sự cải thiện trong quá trình chuyển hóa đường glucose so với những người uống cà phê không chứa caffeine, trà đen hoặc trà ô long.
Theo Parade, trà xanh có tác dụng này vì chứa nhiều polyphenol có tên gọi epigallocatechin gallate (EGCG). Các nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ giữa EGCG và giảm lượng đường trong máu. Do đó, trà xanh không đường có thể đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Thức uống tệ nhất
Nếu bạn muốn giữ cho lượng đường trong máu không tăng đột biến, chuyên gia Schlichter nói rằng cần lưu ý tới đồ uống có cồn. Cô giải thích, rượu bia có thể tác động đến hormone và ảnh hưởng khả năng hoạt động của insulin để giảm lượng đường trong máu.
Điều này dễ khiến lượng đường trong máu không ổn định. Chuyên gia Schlichter cho hay, bia mạnh và đồ uống pha trộn gây hại cho sự ổn định lượng đường trong máu vì có xu hướng chứa nhiều carbohydrate.
Nếu bạn đang dùng thuốc để kiểm soát đường huyết, việc uống rượu có thể ảnh hưởng tiêu cực. Chuyên gia Schlichter khuyên: “Mọi người nên tránh uống rượu khi bụng đói hoặc lượng đường trong máu thấp”.
Chuyên gia Campbell bổ sung nước ngọt, trà ngọt, nước tăng lực, đồ uống thể thao, cà phê có đường và nước ép trái cây đều có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Theo Vietnamnet