Nhà khoa học, Lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông Y Hà Nội cho biết, tại Việt Nam, chuối là những loại cây ăn quả được trồng phổ biến, có nhiều giống khác nhau, phân biệt bởi hình dạng của quả, độ dày và màu sắc của vỏ, mùi vị và màu sắc của thịt quả.
Có thể sắp xếp các giống phổ biến làm 2 nhóm là nhóm giống chuối tiêu và nhóm giống chuối Tây (chuối Sứ). Ngoài ra còn có các giống chuối khác như chuối lá mật, chuối hột, chuối bột, chuối ngự, chuối cau...
Chuối dễ trồng, ít tốn công, thu hoạch luân chuyển có quả quanh năm. Quả chuối có nhiều giá trị dinh dưỡng.
1. Những đại kỵ khi ăn chuối chín
Nhiều người có thói quen ăn chuối vào bất cứ thời điểm nào trong ngày vì cho rằng đây là loại thực phẩm bổ dưỡng. Tuy nhiên theo Lương y Bùi Đắc Sáng, cần lưu ý không nên dùng chuối lúc cơ thể đang đói, dạ dày trống rỗng.
Nguyên nhân do trong chuối có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, nhưng trong đó có 2 chất gồm magie và kali có thể gây tình trạng mất cân bằng cho hệ tim mạch, chướng bụng, người ăn sẽ cảm thấy khó chịu trong cơ thể. Vì vậy chỉ nên ăn chuối sau bữa, tuyệt đối không nên ăn khi đói.
Tránh ăn chuối chín vào bữa sáng hay lúc đang tập trung cao độ trong công việc đòi hỏi suy nghĩ, tư duy nhiều. Nguyên nhân do thành phần serotonin trong chuối chín dễ gây buồn ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Chúng ta nên dùng chuối vào bữa trưa hoặc bữa tối để tránh ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.
2. Kiêng ăn chuối chín đối với một số bệnh
Trong chuối chứa nhiều kali, chất xơ, magiê, vitamin B6 và vitamin C cực kỳ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, những người mắc bệnh sau không nên ăn nhiều chuối chín.
- Người bị đau dạ dày: Với những người có tiền sử đau dạ dày cần hạn chế ăn chuối tiêu. Còn các loại chuối khác, với những người bị đau dạ dày muốn ăn phải ăn chuối đã chín và sau khi ăn cơm no, lúc này chuối sẽ có tác dụng bảo vệ và trung hòa axit dạ dày.
- Người bị sâu răng: Chuối là trái cây chứa nhiều đường vì thế sẽ tăng nguy cơ sâu răng, hỏng men răng nếu ăn nhiều.
- Người thừa cân, béo phì: Chuối chứa nhiều đường, giàu calo. Tiêu thụ hơn 2 quả chuối có nghĩa là đã nạp hơn 300 calo/lần. Do đó, chỉ nên ăn 2 quả chuối, nếu không ăn trái cây nào khác trong ngày. Người muốn giảm cân, người thừa cân, béo phì không nên ăn quá nhiều chuối chín.
- Người mắc bệnh tiểu đường: Nếu đang mắc bệnh tiểu đường tuyệt đối không nên ăn chuối vì sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
- Người bị suy thận: Chuối chứa quá nhiều kali, đây là một khoáng chất không tốt cho thận. Nếu suy thận ăn chuối nhiều, nạp nhiều kali, thận sẽ hoạt động hết công suất, sẽ làm hư hại đến thận.
- Người đang bị đau đầu: Chuối chứa một vài chất có thể làm giãn mạch máu nhất là những trái quá chín. Khi đang bị cơn đau đầu hành hạ tốt nhất không nên ăn sẽ khiến cơn đau kéo dài hơn.
3. Những thực phẩm không ăn cùng chuối
- Sữa chua: Chuối và sữa chua khi kết hợp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng người thuộc loại "bụng dạ yếu", dễ tiêu chảy nên tránh ăn kết hợp 2 loại thực phẩm này vì sữa chua để trong tủ lạnh kết hợp cùng với một số chất trong chuối dễ gây đau bụng và các bệnh tiêu chảy.
- Khoai tây: Chuối với khoai tây khi kết hợp có thể dẫn đến một số phản ứng hóa học, sản xuất chất độc và gây ra các đốm nâu trên khuôn mặt. Vì vậy, để an toàn nên ăn khoai tây và ăn chuối cách nhau tối thiểu 15 phút.
- Khoai lang, khoai sọ: Hầu như các loại khoai đều không nên ăn cùng chuối. Nếu như ăn với khoai tây có thể gây ra chất độc, ăn cùng khoai lang và khoai sọ có thể bị đau dạ dày và gây chướng bụng.
- Dưa hấu: Dưa hấu chứa hàm lượng đường có thể lên tới 15% và rất giàu kali. Chuối cũng rất giàu kali, nồng độ từ 283 đến 472mg trên 100g. Vì vậy, bệnh nhân bị suy thận không nên ăn những trái cây có chứa hàm lượng kali cao như chuối và dưa hấu để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra.
Theo Vietnamnet