Thượng viện và Nhà Trắng vừa đạt được thỏa thuận về gói kích thích chưa từng có trong lịch sử trị giá 2.000 tỷ USD để chống lại những tác động của virus corona với nền kinh tế. Lưỡng viện Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ nhanh chóng thông qua dự luật khủng này để ngay lập tức thúc đẩy kinh tế Mỹ tránh khỏi thảm họa do virus corona gây ra.
Thỏa thuận lịch sử đạt được sau 5 ngày đàm phán chuyên sâu giữa các đảng phái chính trị Mỹ. Thậm chí, có những lúc mâu thuẫn sâu sắc xảy ra khi mỗi bên đều kiên quyết bảo vệ đường lối chính sách của mình. Tuy nhiên, đại dịch chết người, trường học đóng cửa, doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản và sa thải lao động hàng loạt cùng với hàng chục nghìn người nhiễm bệnh khiến các chính trị gia Mỹ không thể thờ ơ.
Được mô tả là chưa từng có trong lịch sử, tiền sẽ tràn ngập nền kinh tế Mỹ khi dự luật có hiệu lực. Ngay lập tức, 1.200 USD sẽ được gửi tới hầu hết các công dân trưởng thành Mỹ. Với trẻ em, số tiền được cấp là 500 USD. Các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội tiếp cận chương trình cho vay trị giá 367 tỷ USD trong khi quỹ 500 tỷ USD được thành lập để hỗ trợ các ngành công nghiệp, thành phố và tiểu bang chịu thiệt hại của dịch bệnh.
Các điều khoản khác bao gồm một sự thúc đẩy lớn với bảo hiểm thất nghiệp, 150 tỷ USD cho các quỹ kích thích tiểu bang và địa phương cùng 130 tỷ USD cho các bệnh viện. Ngoài ra, còn rất nhiều những khoản khác đang được chi tiết hóa.
Những thành quả này đến sau nỗ lực ngoại giao con thoi trên tầng 2 tòa nhà Quốc hội Mỹ của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Giám đốc các vấn đề lập pháp của Nhà Trắng Eric Ueland và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows. Đầu giờ sáng 25/3, ông Ueland tuyên bố mọi thứ đã xong và các bên đạt được một thỏa thuận đáng mong chờ.
Để tìm được tiếng nói chung, tất cả các bên, bao gồm đảng Dân chủ ở Hạ viện, đảng Cộng hòa ở Thượng viện và Nhà Trắng đều phải chịu những điều chưa hài lòng để tìm được tiếng nói chung.
Tránh vết xe đổ năm 2008, khi gói trợ cấp có tên Troubled Asset Relief Program trị giá 700 tỷ USD bị lợi dụng, các nhà lập pháp Mỹ muốn một sự giám sát tốt hơn cho gói cứu trợ 2.000 tỷ USD lần này.
Hiện tại, các nhà lập pháp và ngay cả Nhà Trắng cũng đang chịu áp lực nặng nề nhất là khi số ca nhiễm bệnh mới ở Mỹ tăng chóng mặt. Cùng với đó là một cuộc khủng hoảng trang thiết bị y tế cũng như quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe, điều có thể khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn ngay cả ở nền kinh tế số 1 thế giới.
Theo Trí thức trẻ