Nhiều chủ thẻ đang tìm cách đóng hoặc tạm dừng thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng do lo ngại có thể phải chịu các khoản phí phát sinh.
Chị Nguyễn Thu Lan, ở Hà Nội, mở thẻ tín dụng khi tham gia một chương trình tổ chức cho sinh viên hồi đầu năm 2023 nhưng nhân viên ngân hàng không tư vấn kỹ về các khoản phí khi mở thẻ, duy trì và đóng thẻ: "Ngân hàng mời sinh viên mở thẻ nhưng chẳng thấy nói miễn phí bao nhiêu năm. Ngân hàng không tư vấn nếu không dùng vẫn bị thu phí thường niên hay không dùng có bị đóng thẻ hay không. Em cũng có một cái thẻ tín dụng mở vì không biết thôi, nhưng khi em ra đóng, phí của nó là 150.000 đồng".
Trong những năm gần đây, tình trạng mở thẻ tín dụng diễn ra khá ồ ạt. Nhiều người sở hữu từ 2-3 thẻ tín dụng chỉ vì muốn giúp bạn bè làm ngân hàng chạy đủ chỉ tiêu. Mặc dù không sử dụng thẻ, chị Khương An rất lo lắng vì có thể phải trả những khoản phí “từ trên trời rơi xuống": "Bạn bè tôi có mời tôi mở thẻ tín dụng, tôi cũng mở và để đó chưa sử dụng đến. Sau khi nghe vụ kia tôi cũng giật mình, chắc phải kiểm tra lại thẻ xem có phát sinh dư nợ gì không, tôi cũng lo lắng không biết đến khi đóng thẻ thì có phát sinh một thanh toán nào không mới được đóng thẻ"
Ghi nhận ý kiến của một số người dân, dù tài khoản ngân hàng của họ đã về 0 và không sử dụng trong khoảng từ 6-48 tháng nhưng vẫn bị thu một số loại phí như phí quản lý tài khoản, phí duy trì tài khoản, các loại phí thường niên… Chỉ đến khi, tài khoản xuất hiện giao dịch ngân hàng sẽ ngay lập tức bị trừ tiền. Chị Thùy Linh phản ánh: "Em trai em dùng một cái thẻ mà bị trừ phí thường niên 950.000 đồng/năm và nhiều loại phí khác. Em mà như thế em sẽ hỏi lại và sẽ đóng thôi, nếu không như vụ hôm trước thì mọi người rất sợ".
Theo TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, mỗi ngân hàng có những quy định cách lính lãi đối với thẻ tín dụng khác nhau dựa trên hợp đồng ký với khách hàng và các biểu phí, lãi ngân hàng. Có những ngân hàng tính lãi suất nợ quá hạn trên khoản giá trị giao dịch gốc nhưng có những ngân hàng tính lãi trên khoản tiền gốc cộng lãi.
"Một số ngân hàng sẽ đặt ra một ngưỡng, nếu như đến ngưỡng mà không thấy khách hàng có dấu hiệu trả nợ có thể xảy ra quá hạn, hoặc khách hàng quên, khách hàng thay đổi nơi ở, công việc. Tùy vào chính sách phục vụ khách hàng của mỗi ngân hàng. Chúng ta phải lưu ý, đặc biệt là khi có cảnh báo thẻ đã đến hạn thì chúng ta phải thanh toán ngay vì lãi phạt tính tương đối cao", TS. Cấn Văn Lực cho biết.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, hiện nay, tại một số quốc gia trên thế giới, khi người dùng không thực hiện thanh toán thẻ tín dụng đúng hạn trong kỳ thứ 2, nhiều ngân hàng sẽ tự động khoanh nợ khoản tiền tín dụng chưa được thanh toán và tìm cách xử lý: "Việc khoanh nợ lại giúp họ thu nợ và xem xử lý với bên kia một cách quyết liệt chứ không để kéo dài, nợ lãi và nợ gốc. Không phải để kỳ nọ sang kỳ kia mà phải có trách nhiệm đòi nợ. Đó là trách nhiệm đạo đức của ngân hàng với khách hàng của mình. Khi có nợ quá hạn họ phải tìm mọi cách họ thu, tìm các cách liên lạc".
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu lãnh đạo Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)báo cáo về vụ việc và sớm thông tin cho khách hàng đầy đủ, công khai, minh bạch và đưa ra phương hướng xử lý.
Các chuyên gia ngân hàng cũng khuyến cáo, người dân khi mở tài khoản, thẻ ngân hàng cần tìm hiểu kĩ về các quy định, chính sách lãi suất, các loại phí. Nếu không có nhu cầu sử dụng, khách hàng nên đóng thẻ để tránh những phát sinh về sau.
Về phía các ngân hàng, cũng cần phải công khai, minh bạch các thông tin về lãi suất, phí cho người sử dụng, tránh để xảy ra tình trạng đáng tiếc như sự việc gần đây, gây mất niềm tin của khách hàng.