Việt Nam hiện có khoảng trên 40.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh các loại hình vận tải liên quan đến dịch vụ logistics. Tốc độ phát triển của lĩnh vực logistics vẫn tăng trưởng từ 10% - 12% trong năm 2021, dự kiến đạt 14% trong năm 2022 và còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai thông qua các xu hướng đầu tư nước ngoài, áp dụng công nghệ mới, thương mại điện tử…
Nếu nhìn vào chi phí dịch vụ logistics hiện nay ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với thế giới. Theo tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), năm 2021 chi phí logistics vẫn chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Việc tiêu chuẩn hoá chi phí cơ sở hạ tầng logistics; giá dịch vụ hạ tầng không đồng bộ giữa các công ty vận tải biển gây ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính, dẫn đến sự do dự trong các hoạt động hậu cần của DN logistics trong tương lai.
Ông Nguyễn Tương - Cố vấn cấp cao, nguyên Trưởng Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tại Hà Nội cho biết, khi chuỗi cung ứng hàng hóa bị ngưng trệ dẫn tới hoạt động logistics cũng bị ngưng trệ, bởi logistics là hoạt động quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Chuỗi cung ứng trong 2 năm qua chịu tác động tiêu cực, khi giá cước vận tải biển đã tăng từ 4-6 lần.
“Cước phí tăng vụt khiến hàng hóa xuất nhập khẩu bị gián đoạn, tình trạng thiếu vỏ container và lịch trình tàu bị đình đốn làm ảnh hưởng chung đến hoạt động logistics vì 99% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua hoạt động đường biển. Ngoài ra, hoạt động thu phí cảng biển thời gian gần đây cũng tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu và các DN hoạt động dịch vụ logistics”, ông Tương chỉ ra.
Với thực trạng hầu hết các DN logistics Việt Nam là DN vừa và nhỏ hoạt động thiếu sự liên kết, cơ sở hạ tầng logistics còn thiếu đồng bộ, chưa có tính kết nối cao giữa các loại hình vận tải, giao nhận khiến chi phí logistics thời gian qua tăng cao. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, các DN logistics rất cần có phương hướng thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư trong ngành logistics nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp.
Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bee Logistic Việt Nam cho rằng, DN cần có thêm những thông tin, hướng dẫn cụ thể trong việc tiếp cận với dự án đầu tư trung tâm logistics tại các tỉnh, thành phố. Khi có mục tiêu, các DN mới có thể liên kết tập trung nguồn lực trong đầu tư và phát triển các trung tâm logistics tại Việt Nam. Cùng với đó, thủ tục cho phép các DN logistics Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng cần được thông thóang và thuận lợi hơn.
“Vướng mắc nổi cộm của các DN logistics hiện nay là quy định của hải quan cho phép hàng hóa vận chuyển chỉ có thể được đóng gói lại nhưng không được phép lắp đặt; số lượng hàng hóa đầu vào phải đúng với đầu ra,… điều này làm cản trở hoạt động của DN dịch vụ logistics với bên thứ ba (Third Party Logistics). Do đó, Chính phủ cần cải tiến quy định tại các kho ngoại quan hoặc các khu vực quản lý hải quan cho phép DN logistics có thể lắp đặt, thậm chí gia công cũng như đóng gói, dán nhãn hàng hóa, vì đây là các hoạt động logistics hết sức cơ bản mà các DN logistics trên thế giới đã làm từ rất lâu”, ông Thịnh mong muốn.
Đặc biệt, trong xu thế phát triển của thương mại điện tử cũng như vận tải xuyên biên giới, các thủ tục hải quan dù đã được cải tiến nhiều, song DN logistics vẫn mong muốn được tạo thuận lợi hơn. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu để cải tiến các công cụ để từ đó thúc đẩy logistics cho thương mại điện tử phát triển một cách minh bạch tại thị trường Việt Nam.
“Việc liên kết, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với DN, tạo ra sự liên kết giữa các thành tố trong chuỗi cung ứng như hải quan, cảng biển với hãng vận tải đường bộ hay hãng tàu sẽ giúp rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa. Với sản lượng thông quan hàng hóa tại Việt Nam như hiện nay, mỗi container chỉ cần tiết kiệm được 30 phút sẽ thấy hiệu quả kinh tế rất lớn”, ông Thịnh đề xuất.
Chú trọng đến vấn đề đầu tư hạ tầng logistics bằng việc phát triển các trung tâm giao nhận hàng hóa phù hợp với quy hoạch tổng thể, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) lưu ý, để nâng cao năng lực DN dịch vụ logistics cần kiện toàn mô hình tổ chức của DN. Trong đó, cần kết nối các chuỗi dịch vụ để từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ logistics bằng việc huy động các nguồn lực xã hội bao gồm cả nguồn lực tài chính.
Về phía các DN logistics, Cố vấn cấp cao của VLA Nguyễn Tương cho rằng, các DN logistics phải tìm mọi biện pháp để giảm chi phí bằng cách thay đổi phương thức điều hành, thay đổi giữa các phương thức vận chuyển sao cho hợp lý cũng như phát triển mạnh đội tàu biển Việt Nam trong tương lai nhằm giảm chi phí logistics.
“Ngoài ra, để giảm chi phí, DN logistics còn cần nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số cũng như sắp xếp lại tổ chức, để phấn đấu trong vòng 3 năm nữa chi phí logistics giảm xuống còn 12% - 13% giá trị hàng hóa”, ông Tương cho biết.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), năm 2022, ngành logistics Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực về cho sự phát triển. Trong đó, triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ tạo xung lực cho ngành dịch vụ logistics phát triển dựa trên các yếu tố: Kinh tế thế giới và Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ được hỗ trợ bởi các chính sách kích thích tăng trưởng. Nghị quyết 128/NQ-CP về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm sóat hiệu quả dịch Covid-19” đang là động lực cho kinh tế khôi phục và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, khó khăn và những nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn do sự tắc nghẽn của vận tải đường bộ, thiếu hụt container, thiếu chỗ và giá cả “leo thang” của vận tải đường biển cũng như sự tăng trưởng bùng nổ của vận tải hàng không. Thực trạng này sẽ dần được giải quyết, các phương thức vận tải sẽ quay về đúng giá trị khi dịch bệnh Covid-19 dần được khống chế trong năm 2022./.