Kết thúc năm 2023, giá vàng thế giới dừng ở mức 2.062,2 USD/ounce, tăng 13% và đánh dấu năm hoạt động tốt nhất kể từ năm 2020.
Thị trường vàng trong nước cuối năm 2023 đã có diễn biến đầy bất ngờ. Giá vàng SJC tăng đột biến lên mức cao kỷ lục mọi thời đại, vượt 80 triệu đồng/lượng rồi đảo chiều “lao dốc” về quanh ngưỡng 73 - 78 triệu đồng/lượng.
Với đà này, giá vàng sẽ biến động thế nào trong năm 2024?
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV VietNamNet.
PV: Ông có đánh giá thế nào về diễn biến giá vàng trong nước năm 2023 vừa qua?
Ông Huỳnh Trung Khánh: Năm 2023, giá vàng đã lên mức kỷ lục, cũng tương đồng với giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, giá vàng SJC tăng vượt ngưỡng 80 triệu đồng/lượng, mức cao bất thường; trong khi giá vàng nhẫn lên cao nhất cũng chỉ ở mức 64-65 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC chênh lệch tới 18 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Thế nhưng, ngay sau khi có công điện chỉ đạo của Thủ tướng, giá vàng đã hạ nhiệt.
Thị trường vẫn đang chờ biện pháp giải quyết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như thế nào, cũng như quy định tại Nghị định 24 sẽ được sửa đổi ra sao để phù hợp với tình hình mới.
Trong cuộc họp hồi đầu năm, Phó Thống đốc NHNN cũng nhìn nhận, giá vàng chênh lệch như vậy là không thể chấp nhận được và chắc chắn NHNN sẽ có điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 24 cho phù hợp.
- Vàng được đánh giá hưởng lợi từ xu hướng chống lạm phát, quan điểm của ông về vấn đề này?
Lạm phát ở Việt Nam dưới 4% là mức chấp nhận được, không cần trú ẩn trong vàng. Lạm phát cao hơn lãi suất ngân hàng mới đáng ngại, đáng sợ. Khi đó, người tiêu dùng sẽ trú ẩn trong vàng, để bảo vệ giá trị tài sản của mình.
Người dân có câu “nhất thổ, nhì kim”, vì thế, cũng có nhiều người trú ẩn trong đất đai.
Với tình hình địa chính trị phức tạp hiện nay trên thế giới, nhiều nhà đầu tư, người tiêu dùng cũng đã tìm đến vàng để trú ẩn, nhất là ở những quốc gia có lạm phát cao, trên 5%. Khi lạm phát giảm, kinh tế ổn định trở lại, họ lại bán vàng ra.
- Vậy, ông đánh giá thế nào về lợi suất của vàng so với các kênh đầu tư phổ biến khác ở Việt Nam?
Riêng năm nay, vàng tăng đến 13-14%, trong khi lãi suất ngân hàng giảm xuống mức 5-6%; còn bất động sản sụt giá, "đóng băng".
Thị trường chứng khoán sau khi lên mức cao 1.500 điểm, hiện vẫn lình xình ở mức 1.100-1.200 điểm. Các vụ việc liên quan đến trái phiếu, cổ phiếu đã xảy ra cũng khiến nhiều nhà đầu tư e dè; nhất là những người chưa có nhiều kinh nghiệm.
Khi nền kinh tế chung còn khó khăn, địa chính trị phức tạp nhưng vàng lại có thanh khoản cao, hơn gửi tiết kiệm. Đồng thời, vàng lại dễ mua, dễ bán, được giá nên đây vẫn là kênh thu hút nhà đầu tư.
- Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, ông có dự báo ra sao về diễn biến giá vàng trong nước và thế giới trong năm 2024?
Tôi cho rằng, giá vàng SJC trong nước sẽ giảm nếu NHNN sẽ có biện pháp can thiệp, sửa đổi Nghị định 24. Từ đó, giá vàng sẽ tiệm cận hơn với giá vàng thế giới, nếu có chênh lệch chỉ ở mức 3-5 triệu đồng/lượng.
Nhiều dự báo giá vàng thế giới năm nay sẽ tăng. Diễn biến trên thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy, giá vàng thế giới vẫn “lình xình” ở mức trên 2.000 USD/ounce.
Fed chưa giảm lãi suất, nhưng khi giảm, giá vàng sẽ lại tăng lên. Giá vàng thế giới năm nay trung bình ở mức 2.000-2.100 USD/ounce, thậm chí có thể lên tới 2.200 USD/ounce.
Khi giá vàng thế giới lên mức đó, ắt giá vàng trong nước sẽ lại tăng lên. Chiều hướng giá vàng tăng trong năm nay vẫn nhiều hơn là giảm.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước khó có mức tăng cao, đột biến như cuối năm 2023 nếu NHNN có biện pháp can thiệp.
- Vậy, lời khuyên cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường vàng năm nay là gì, thưa ông?
Vàng chỉ là một công cụ đầu tư, chứ không phải tất cả. Vì thế, không nên dồn đầu tư hết vào vàng, chỉ đầu tư khoảng 20% vào vàng trong danh mục đầu tư.
Còn lại có thể đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán, tùy khẩu vị đầu tư của từng người.
Xin cảm ơn ông!
Theo VNN