Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về việc tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 cũng như kéo dài từ nay đến cuối năm, lực lượng QLTT cả nước đã tăng cường tập trung lực lượng giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu. Cụ thể về nội dung này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương.
PV: Trước tình hình giá xăng dầu dự báo diễn biến phức tạp, trong suốt 4 ngày nghỉ lễ, cao điểm kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của lực lượng QLTT thế nào thưa ông?
Ông Trần Hữu Linh: Trong 4 ngày nghỉ lễ thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng QLTT cả nước đã triển khai giám sát hơn 17.000 cây xăng để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu. Công tác kiểm tra, giám sát được phân vùng các khu vực nóng như khu vực miền Nam gồm 19 tỉnh, thành và 13 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình cho đến 5 tỉnh ở Tây Nguyên cũng như một số địa bàn ở phía Bắc.
Tất cả lực lượng đã đến tận từng cây xăng để kiểm tra vấn đề liên quan đến việc tồn trữ xăng dầu trên địa bàn và các điểm lưu kho, bồn chứa ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Các lực lượng cũng tiến hành kiểm tra, xử phạt kịp thời và làm rõ với những cửa hàng bán lẻ xăng dầu nếu có dấu hiệu tạm dừng hay ngưng hoạt động. Đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng như Sở Công Thương trên địa bàn tỉnh thu hồi giấy phép nếu có. Toàn bộ lực lượng QLTT thực hiện giám sát 24/24, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, thiếu xăng hay đóng cửa.
Trong quá trình kiểm tra cũng phát hiện và ghi nhận một số cây xăng đóng cửa với lý do nguồn cung nhỏ giọt, hoặc không đảm bảo. Tất cả các trường hợp này đều được lập biên bản kiểm tra và trực tiếp vào bồn chứa của cây xăng để đo.
Qua 4 ngày kiểm tra tại khu vực các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình cho đến 5 tỉnh Tây Nguyên và đến Khánh Hoà với tổng cộng 2.918 cây xăng phát hiện 6 cây xăng hết cả xăng lẫn dầu. Tại 19 tỉnh phía Nam cũng có một số cây xăng ở các địa bàn như Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu có hiện tượng thông báo hết xăng hoặc hết dầu.
Đặc biệt như địa bàn TP.HCM trong 4 ngày vừa qua có 450 cây xăng đảm bảo nguồn cung xăng dầu cũng như hoạt động bán hàng thường xuyên. Đối với khu vực phía Bắc chỉ có một số rất nhỏ cây xăng ở Hà Nội, Thái Nguyên có hiện tượng đóng cửa do thông báo hết xăng, còn những địa phương còn lại ở phía Bắc tình hình vẫn ổn định. Một số cây xăng ở Hạ Long, Quảng Ninh lượng xăng vẫn dồi dào đảm bảo cung ứng cho người dân.
PV: Qua kiểm tra, giám sát thị trường xăng dầu, theo ông nguyên nhân chính của sự thiếu nguồn cung xăng dầu là gì và giải pháp để ngăn chặn tình trạng này?
Ông Trần Hữu Linh: Bộ Công Thương đã nhận định, diễn biến giá xăng dầu và tình hình cung ứng xăng dầu từ nay đến cuối năm còn khá phức tạp. Do vậy, Bộ cũng đã thành lập 3 Tổ công tác để chỉ đạo việc kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu. Đối với lực lượng QLTT vẫn đặt trọng tâm từ nay đến cuối năm là xăng dầu là mặt hàng được ưu tiên đặc biệt trong công tác giám sát kiểm tra.
Theo đó, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố sẽ tập trung vào việc tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Công Thương để rà soát tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt những cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã tạm dừng tạm ngưng hoạt động để xác minh làm rõ những lý do cụ thể, nguyên nhân tạm dừng tạm ngưng và có thể tiến hành xử lý nếu có vi phạm.
Đặc biệt, Bộ cũng chỉ đạo xử lý nghiêm nếu như có hiện tượng dừng bán, không có lý do, hoặc là chủ ý găm hàng, hoặc bán nhỏ giọt. Kiên quyết kiến nghị với các tỉnh là thu hồi giấy chứng nhận cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với những cửa hàng này. Chúng tôi cũng lựa chọn những khu vực, địa bàn có điểm nóng đặc biệt là các tỉnh phía Nam có dấu hiệu thiếu hụt cục bộ và một số tỉnh Duyên hải miền Trung. Tiến hành giám sát hơn 17.000 cây xăng trên cả nước, để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng cũng như đóng cửa. Nếu xảy ra tình trạng này thì sẽ xác minh làm rõ ngay lập tức.
Đặc biệt, trong trường hợp các thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu không giao hàng sẽ được lực lượng QLTT điều tra làm rõ. Nếu phát hiện có dấu hiệu không giao hàng, bán hàng sẽ tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc là chuyển xử lý theo quy định pháp luật.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn những khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Vậy kế hoạch tiếp tục kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của lực lượng QLTT sẽ được tiến hành thế nào, thưa ông?
Ông Trần Hữu Linh: Có thể nói từ nay đến cuối năm xăng dầu vẫn sẽ tiếp tục là mặt hàng được lực lượng QLTT ưu tiên trong công tác kiểm tra kiểm soát…Trong đó sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất nếu có dấu hiệu vi phạm do người dân phát hiện, hoặc những phản ánh qua đường dây nóng của địa phương.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm những quy định của pháp luật, có thể áp dụng cả những hình thức xử phạt bổ sung; kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thậm chí là thu hồi giấy phép và đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ những đơn vị đã bị thu hồi giấy phép…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.