Sài Gòn đẹp lắm! Sau ánh đèn rực rỡ, sau những tòa nhà bê-tông tưởng chừng như vô hình là những tấm lòng hiền hòa, những vòng tay rộng mở. Nhiều người vẫn thường nói, giữa Sài Gòn xô bồ và hối hả, người ta thường sống nhanh, sống vội, nhưng mấy ai biết được ở Sài Gòn, chỉ cần “một bàn tay xòe ra thì sẽ có một bàn tay khác nắm lấy”, có thể là rất chặt hay chỉ nhẹ nhàng thôi, nhưng chí ít thì ta biết: Ta không hề đơn độc.
Đối với những người dân lao động có thu nhập thấp, để có được một bữa ăn “đủ chuẩn”, phù hợp với “túi tiền” là điều không hề dễ dàng. Song điều đó lại trở nên có thể khi họ tìm đến với Thiên Phước. Cơm chay Thiên Phước là điểm đến không chỉ giúp họ những bữa cơm lúc đói lòng mà còn là sự đồng cảm với những thân phận nghèo khó trong cuộc sống, để thấy rằng bên cạnh họ vẫn luôn còn những tấm lòng nhân ái đong đầy tình người.
Hạt mầm của sự yêu thương
Cơm chay Thiên Phước - quán cơm ra đời từ tấm lòng bác ái của anh Trần Phước Hòa (ngụ quận 11, TP.Hồ Chí Minh). Anh thương làm sao những cuộc đời lam lũ kém may mắn trong cuộc sống, để rồi càng cảm phục hơn khi hiểu được rằng họ vất vả bươn chải không chỉ vì bản thân mà còn vì sự sống và ước mơ của những người mà họ yêu thương. Thấu hiểu được nỗi lòng thầm lặng ấy, anh Hòa cùng những người bạn của mình đã phát tâm bồ đề đem đến cho bà con nghèo những suất cơm chay ấm áp nghĩa tình.
Tâm sự với chúng tôi, anh Hoà chia sẻ rằng:“Anh không muốn gọi là quán cơm dành cho người nghèo, hay người có thu nhập thấp mà anh gọi với cái tên dễ chịu hơn - Quán dành cho người lao động có thu nhập chưa cao. Chưa cao nghĩa là sẽ cao, nếu ta biết cố gắng thay đổi cuộc đời mình.”
Quán cơm chay Thiên Phước dành cho người lao động có thu nhập chưa cao.
Một ngày của Thiên Phước
Ngay từ sáng sớm, khi đồng hồ chỉ mới điểm hơn 5 giờ 30, gian bếp Thiên Phước đã bắt đầu rộn ràng, tất bật chuẩn bị nguyên liệu chế biến thức ăn để kịp 10 giờ 30 bán cơm cho bà con. Cô Thanh (đầu bếp của quán) cho biết các thực phẩm từ rau củ, gạo, gia vị,… đa phần đều do anh Hòa đích thân chọn lựa và đi mua, duy chỉ có đậu hũ là mỗi ngày đều được một tiểu thương ở chợ mang đến.
Quán tuy nhỏ nhưng rất gọn gàng và ngăn nắp, mặc dù là bếp ăn của một quán cơm chay chỉ bán với giá 5 ngàn đồng, song lại khiến chúng tôi khá bất ngờ về các trang thiết bị hiện đại ở bếp: từ máy hút khói, máy nấu cơm, hệ thống bếp điện,…
Sau hơn 3 giờ đồng hồ chuẩn bị, cơm và thức ăn nấu chín được chia thành từng suất trên các khay inox đặt ngay ngắn trên các kệ sắt trông rất sạch sẽ, ngon miệng.
Giờ cơm trưa, chúng tôi bắt gặp hình ảnh từ những người bán vé số lam lũ, đến anh công nhân, thợ hồ, chú xe thồ, chú Grab hay những cô cậu học trò nhỏ trong chiếc khăn quàng màu đỏ thắm tươi đến quán. Tất cả họ đều xếp hàng rất ngay ngắn đợi chờ đến phần cơm của mình.
Mỗi suất cơm tuy chỉ bán với giá 5 ngàn đồng cho người ăn tại chỗ và 6 ngàn đồng cho người mua mang về nhưng lại rất chất lượng. Mỗi ngày quán thay đổi một thực đơn khác nhau và luôn có từ 6 món chính trở lên, có nước uống miễn phí và đôi khi có thêm món tráng miệng. Cơm và canh sẽ do khách tự lấy, nhiều hay ít tuỳ vào sức ăn của mỗi người, miễn sao bước ra khỏi quán phải thật là no. Đặc biệt hai tháng một lần, vào các ngày mùng 1 và rằm, cơm chay Thiên Phước sẽ nấu gần 600 suất bún, phở chay phục vụ miễn phí cho bà con.
Bà Mỳ - một bà lão bán vé số và cũng là khách hàng thân thiết của Thiên Phước chia sẻ:“Cơm ở đây giá rẻ mà rất ngon, chỉ 5 ngàn thôi mà ăn chừng nào no mới thôi. Bà bán vé số mỗi ngày cũng chẳng lời được bao nhiều tiền, vào ăn ở đây mà thấy hợp túi tiền mà lại ngon. Nó giúp bà đỡ được gánh nặng nhiều lắm”.
Hành trình gieo duyên của chủ quán Thiên Phước
“Tài sản quý giá nhất của một con người không chỉ là một cái đầu đầy kiến thức mà đó còn là một trái tim đầy tình yêu, một lỗ tai sẵn sàng lắng nghe, một cánh tay sẵn sàng giúp đỡ.” Đó là câu nói mà anh Hòa – chủ quán cơm Thiên Phước đã dán ở quán, chúng tôi ví nó cũng như anh, mang trong mình bếp lửa “yêu thương” luôn hừng hực cháy, sẵn sàng dang tay giúp đỡ những phận đời kém may mắn.
Tâm sự với hai chị bếp, chúng tôi càng cảm động hơn về những việc không lời mà anh đã làm. Trong ngôi nhà nhỏ với 3 tầng lầu, anh dành riêng tầng trệt để mở quán cơm “gieo duyên”, tầng 1 cho gia đình và tầng 2, 3 cho sinh viên nghèo ở lại miễn phí. Mỗi dịp Tết anh còn tổ chức buổi họp mặt, tặng quà và thuê riêng xe đưa những người có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết. “Duyên đến đâu, anh làm đến đó!” – Hai chị bếp mỉm cười nhẹ nhàng khi chia sẻ câu chuyện ấy đến chúng tôi.
Anh Trần Phước Hòa trong một chuyến công tác từ thiện.
Nơi yêu thương lan tỏa
Một suất cơm no phần nào xua tan đi bao mệt nhọc của những người lao động nghèo. Những “bàn tay đen nhám” vì cuộc sống mưu sinh vất vả gửi lại số tiền cho phần ăn của mình chẳng bao nhiêu, nhưng chúng tôi nhìn sâu được vào trong đôi mắt họ ánh lên sự hạnh phúc đến nhường nào.
Thế mới thấy ở chốn “mĩ lệ” như Sài Gòn, cứ nghĩ rằng từ “mĩ” sẽ dành cho người giàu, còn người nghèo chỉ dành lấy từ “lệ”. Nhưng không, chính những nghĩa cử cao đẹp như anh Hòa và hơi ấm tình người từ quán cơm Thiên Phước sẽ khiến “mĩ” - “lệ” không còn là khoảng cách.
Chúng tôi tin rằng khi rời khỏi Thiên Phước, trên môi họ sẽ là nụ cười, bởi giữa cuộc sống khốn khó, họ tìm được một nơi giúp mình cảm thấy ấm áp của hơi ấm tình thân.
Và chúng tôi hi vọng rằng, mai đây hơi ấm của sự yêu thương sẽ tiếp tục được lan tỏa đến nhiều nơi hơn nữa, để những người nghèo sẽ có nơi tìm thấy nụ cười mới trên đôi môi của mình.
Kim Ánh – Công Khởi