Trong buổi phỏng vấn, việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng rất quan trọng, thậm chí là “bí quyết” giúp ứng viên ghi điểm với nhà tuyển dụng. Qua đó cho thấy sự tự tin, hiểu biết, sự chủ động của bạn. Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra khi bạn đặt câu hỏi phù hợp, chất lượng. Bởi có những câu hỏi tuyệt đối không nên “mở lời”, nếu không nó sẽ khiến bạn tự loại bỏ cơ hội việc làm của chính mình.
Vậy đó là những câu hỏi gì? Cùng tham khảo bài viết sau nhé.
“Công ty kinh doanh có minh bạch không?”
Muốn thể hiện sự quan tâm tới công ty khi xin việc làm tại Hà Nội, TPHCM hay bất cứ nơi nào khác thì cần đưa ra câu hỏi liên quan. Tuy nhiên, bạn không phải là cán bộ thị trường, cán bộ thuế hay cơ quan điều tra để đặt câu hỏi về “tính minh bạch” của doanh nghiệp. Đây là điều cấm kị đối với ứng viên vì nó vượt quyền hạn của bạn.
Nhà tuyển dụng sẽ không có câu trả lời, ngay cả khi bạn phỏng vấn ở vị trí thủ quỹ, kế toán. Bởi chưa có gì chắc chắn bạn là nhân sự công ty để họ phải tiết lộ “bí mật” doanh nghiệp. Ngay cả khi chuyên môn bạn cao, họ cũng không muốn nhân sự “tò mò” không đúng quyền hạn như vậy.
Nguồn hình (internet)
“Công ty sẽ trả lương như thế nào?”
Là ứng viên, ai cũng tò mò về mức lương được trả. Nhưng vì quá quan tâm tới mức lương mà bạn hỏi:“Tôi sẽ được trả lương bao nhiêu?” hay “Công ty trả lương bằng hình thức nào?” ngay khi mới bước vào phỏng vấn thì đó là sai lầm.
Bởi buổi phỏng vấn là để xác định xem hai bên có phù hợp với nhau không. Chỉ khi được nhà tuyển dụng hỏi về mức lương mong muốn hoặc khi họ gửi lời đề nghị nhận việc thì bạn mới nên nói đến nó. Việc nóng vội hỏi mức lương cho thấy bạn thiếu kinh nghiệm phỏng vấn mà còn khiến nhà tuyển dụng nghĩ, bạn đi làm “chỉ vì tiền”. Chưa kể, bạn không nắm rõ được giá trị của mình nên phụ thuộc vào bên “trả lương”.
Do đó, đừng nóng vội, đừng đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng các vấn đề liên quan đến quyền lợi, mức lương quá sớm. Hãy trao đổi, thảo luận trách nhiệm, vai trò cũng như giá trị của bạn với công việc, công ty. Khi khẳng định được năng lực, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ sớm đưa ra “con số” để thuyết phục bạn.
Nguồn hình (internet)
“Hãy cho tôi biết thông tin về công ty”
Có thể công ty ứng tuyển là cái tên rất mới, bạn chưa từng nghe qua. Nhưng càng như thế thì bạn càng phải tìm hiểu kỹ và sâu, thậm chí dành nhiều thời gian hơn so với công ty khác. Khi bước vào buổi phỏng vấn, ít nhất bạn phải nắm được thông tin cơ bản về doanh nghiệp, về sản phẩm, dịch vụ của công ty. Bởi việc của một ứng viên trước khi bước vào buổi phỏng vấn là phải tìm hiểu về công ty.
Ngay cả khi bạn đã tìm hiểu nhưng thông tin có được ít và muốn hiểu thêm thì cũng không nên hỏi “Hãy cho tôi biết thông tin về công ty”. Ít nhất, hãy hỏi theo dạng: “Tôi đã tìm hiểu thông tin này... tuy nhiên rất muốn anh/chị chia sẻ thêm” thì sẽ được lòng nhà tuyển dụng hơn.
“Tôi có thể làm việc từ xa?”
Làm việc online đang là một xu thế nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng áp dụng hình thức này. Nếu như trong mô tả công việc và nhà tuyển dụng không chia sẻ về vấn đề này thì bạn không nên đưa ra lời đề nghị.
Việc đòi hỏi quyền lợi ngay trong buổi phỏng vấn cho thấy, bạn là người thực dụng, đề cao quyền lợi, nhu cầu bản thân. Điều này cho thấy, bạn không thuộc nhóm có khả năng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp khi không thỏa mãn nhu cầu.
Nguồn hình (internet)
Cách tốt nhất hãy chờ đến khi nhà tuyển dụng đàm phán về hình thức và thời gian làm việc, bạn hãy hỏi về vấn đề này.
“Ai là đối thủ cạnh tranh của công ty?”
Đây là câu hỏi cho thấy bạn quan tâm tới doanh nghiệp. Tuy nhiên nó nên là câu bạn tự đặt cho chính mình chứ không phải để hỏi nhà phỏng vấn. Bởi nhà tuyển dụng luôn kỳ vọng bạn đã tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp và cả đối thủ của họ. Thậm chí, bạn phải đánh giá được đối thủ, sẵn sàng đưa ra chính sách giúp doanh nghiệp cạnh tranh với đối thủ đó.
Do đó, bạn cần nghiên cứu kỹ trước buổi phỏng vấn để không đặt câu hỏi tự khiến mình mất điểm.
“Công ty có xác thực thông tin ứng viên không?”
Câu hỏi này thừa và không giúp ích cho bạn trong việc đưa ra quyết định sau buổi phỏng vấn. Bởi đây là công việc của nhà tuyển dụng và họ tiến hành độc lập không liên quan đến ứng viên.
Chưa kể, câu hỏi khiến họ nghi ngờ bạn thiếu trung thực với những chia sẻ trong CV và buổi phỏng vấn. Vì thế, họ tiến hành các bước xác thực thông tin kỹ lưỡng dù trước đó không có kế hoạch. Điều này dù ít dù nhiều là bất lợi cho bạn. Vậy nên tốt nhất bạn không nên hỏi điều đó.
Trong một cuộc phỏng vấn, có câu hỏi khiến bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng nhưng cũng có câu hỏi khiến bạn đánh mất cơ hội việc làm của chính mình như 6 câu hỏi trên. Do đó, khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, hãy khéo léo và thận trọng để không tự đánh rớt chính mình nhé.
Hải Linh