Doanh nghiệp lạc quan
Ghi nhận của VTC News, tại Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chuẩn bị nguồn lực, sản phẩm để thu hút khách trong bối cảnh bình thường mới.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Công ty Lạc Gia, phương án phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới do Bộ VH-TT&DL ban hành đã giúp doanh nghiệp tự tin trở lại khi có hướng dẫn cụ thể về thị thực, quy định xuất nhập cảnh.
“Hiện chúng tôi đã kết nối với các đối tác ở thị trường châu Á để lên chương trình, kế hoạch tổ chức các tour, tuyến đón khách đến Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Công ty cũng kêu gọi các nhân sự trở lại để chuẩn bị phục vụ du khách”, ông Tâm nói.
Ông Lương Văn Trang, Giám đốc khối khách du lịch nước ngoài (Công ty VietnamtravelMart) cho hay, doanh nghiệp đã chuẩn bị các điều kiện để đón khách nước ngoài ngay từ khi Đà Nẵng được Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế từ cuối năm 2021.
“Các nhân viên đã trở lại làm việc gần như đầy đủ, các kênh kết nối với đơn vị cung ứng dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, điểm đến và chuẩn bị các bộ sản phẩm tour tuyến mới cũng đã sẵn sàng”, ông Trang khẳng định.
Còn Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương Nguyễn Sơn Thủy sẽ đón đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Đà Nẵng sau 2 năm, vào ngày 27/3. Đây là đoàn famtrip với hơn 40 đơn vị lữ hành của Thái Lan tham gia khảo sát các dịch vụ của Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và một đoàn khách Thái Lan đi du lịch.
Tại TP.HCM, không khí cũng đang rất gấp rút, sôi động tại những doanh nghiệp lữ hành. Trả lời VTC News, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng, việc bỏ yêu cầu cách ly đối với du khách quốc tế khi nhập cảnh và miễn thị thực cho công dân 13 nước vừa được Chính phủ thông qua là điều kiện hợp lý trong bối cảnh hiện nay, bởi các nước trong khu vực và thế giới cũng đã nới lỏng điều kiện để đón khách quốc tế từ sớm.
Để làm tốt công tác chuẩn bị, hiện khối du lịch Inbound (đón khách quốc tế) của Vietravel đang cập nhật thông tin và chính sách mới nhất. Đồng thời, tăng cường tiếp thị trực tiếp đến các đối tác tại nước ngoài, cũng như phối hợp với văn phòng Vietravel tại Campuchia, Thái Lan, Singapore, Pháp, Mỹ… xây dựng bộ sản phẩm phù hợp với từng thị trường.
"Chúng tôi cho rằng đó là tín hiệu vô cùng tích cực, lạc quan và năm 2022, ngành Du lịch sẽ khởi sắc, tươi sáng trở lại sau 2 năm đóng băng vì CCOVID-19. Nếu mọi việc thuận lợi, chúng tôi có thể đón khách lẻ từ tháng 3/2022 và khách đoàn quốc tế từ giữa tháng 4/2022", bà Khanh nói.
Định hướng trong năm 2022, bên cạnh việc phát triển sản phẩm du lịch trong nước dành cho khách Việt Nam, tiếp thị đến khách quốc tế, Vietravel cũng sẽ khôi phục lại thị trường Outbound (đưa khách ra nước ngoài). Ngoài đảm bảo an toàn cho du khách thông qua việc xây dựng sản phẩm và giữ giá tour du lịch trong nước ở mức bình ổn, Vietravel sẽ tung ra các chương trình khuyến mãi để thúc đẩy phục hồi.
"Trong tháng 1 vừa qua, công ty cũng đã gặp gỡ trực tiếp đại diện Tổng cục Du lịch Nhật Bản, Thái Lan và Philippines…để bàn thảo về kế hoạch xúc tiến đẩy mạnh lại thị trường Outbound. ", bà Khanh chia sẻ.
Khách sạn tất bật phục vụ khách nội
Không chỉ các doanh nghiệp lữ hành mà hàng loạt khu du lịch, khách sạn tại Đà Nẵng cũng đã mở cửa trở lại.
Ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc Khu du lịch Sun World Ba Na Hills cho biết, sẽ mở cửa đón khách từ 18/3. Thời gian đầu mở cửa, Sun World Bà Nà Hills sẽ đón khách vào 3 ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần.
“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự đầu tư lớn cho giai đoạn mới ngay trong quãng thời gian ngừng đón khách. Sun World Ba Na Hills đã sẵn sàng trở lại, đồng hành cùng sự hồi sinh của thành phố Đà Nẵng, với một phiên bản mới vượt trội cả về chất và lượng”, ông An nói.
Tương tự, từ tháng 11/2021, hệ thống khách sạn Mường Thanh tại Đà Nẵng, Khánh Hòa đã hoạt động nhưng chủ yếu là đón khách trong nước và một số khách quốc tế theo diện làm ăn, kinh doanh.
“Để đón khách quốc tế, Mường Thanh đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện, trong đó công tác phòng chống dịch, hệ thống phòng cách ly cho du khách khi phát hiện mắc COVID-19 cũng được thiết lập, đảm bảo các điều kiện theo yêu cầu”, đại diện Mường Thanh Luxury Đà Nẵng nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, về cơ bản, các điều điều kiện để đón khách quốc tế của Đà Nẵng đều đảm bảo. Theo kế hoạch, từ ngày 27/3, Đà Nẵng đón đoàn khách quốc tế đầu tiên trên chuyến bay do Hãng hàng không Singapore Airlines khai thác.
Đại diện Sheraton Saigon Hotel & Towers (đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM) chia sẻ, trong 2 năm đại dịch, khách sạn ghi nhận sự giảm thiểu rõ rệt về lượng khách quốc tế. Trong thời gian đó, để duy trì hoạt động tốt, khách sạn đẩy mạnh chất lượng phục vụ khách trong nước.
"Đợt dịch vừa rồi may mắn hoạt động kinh doanh của khách sạn cũng tương đối ổn định do duy trì được khách trong nước. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế gần như giảm về 0. Với sự chuyên nghiệp sẵn có, chúng tôi luôn sẵn sàng tinh thần đón khách quốc tế, không phải chờ đến khi có thông tin mở cửa mới bắt đầu chuẩn bị", bà Yến cho hay.
Gần 500 phòng nghỉ của Sheraton Saigon luôn sẵn sàng đón khách.Theo bà Yến, để đảm bảo việc đón khách quốc tế ở thời điểm hiện tại được tốt nhất, khách sạn chú trọng đặc biệt đến quy trình làm sạch mọi khu vực. Trong đó, có quy chuẩn riêng cho việc khử khuẩn phòng mỗi khi khách đến và đi. Các khu vực ra vào sảnh, thang máy, ghế chờ... được nhân viên lau dọn 20 phút/lần. Toàn bộ nhân viên của khách sạn đều được xét nghiệm COVID-19 2 lần/tuần.
Ngoài ra, để thu hút khách hàng, đơn vị cũng đưa ra nhiều gói ưu đãi đặc biệt như vừa nghỉ dưỡng vừa ẩm thực. Sử dụng ưu đãi này, khách hàng sẽ tiết kiệm từ 30 - 50% chi phí so với thông thường.
"Thật ra bây giờ vẫn có khách lẻ, nhưng ít, chủ yếu là các chuyên gia đến Việt Nam công tác. Hiện chúng tôi đang xem xét thủ tục đón khách đoàn, khách theo tour. Song song với đó, để chất lượng tốt hơn, chúng tôi đang ráo riết tuyển dụng nhân lực, chúng tôi cần khoảng 500 nhân viên để duy trì hoạt động tốt", bà Yến thông tin.
Tương tự, tại Rex Hotel Saigon (đường Nguyễn Huệ, quận 1), lượng khách đặt phòng ghi nhận tăng nhẹ sau thời gian thành phố hết giãn cách. Tuy nhiên, lượng khách chủ yếu vẫn là nội địa và đoàn nguyên thủ các nước, chuyên gia đến Việt Nam công tác.
Các khách sạn 5 sao ở TP.HCM sẵn sàng đón khách quốc tế. "Trước đây thì lượng khách du lịch quốc tế đặt phòng tại khách sạn chiếm khoảng 15%, từ đợt dịch tới nay thì lượng khách này bị "đứng" lại. Tôi tin rằng sau khi Chính phủ mình nới lỏng các điều kiện nhập cảnh thì lượng khách này sẽ ổn định như trước", đại diện Rex Hotel Saigon nói.
Vẫn còn băn khoăn
Theo các công ty du lịch, hãng lữ hành, dù hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL là “bộ quy tắc chung” nhưng tùy điều kiện riêng, một số địa phương sẽ có những quy định cụ thể và các doanh nghiệp vẫn đang chờ.
Ông Nguyễn Văn Tâm cho rằng, dù đã kết nối với các đối tác lên phương án, đón khách nhưng doanh nghiệp cũng đang băn khoăn và chưa định ngày cụ thể.
Theo ông Tâm, điều khiến doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất hiện nay là trường hợp trong đoàn khách quốc tế có người mắc COVID-19 thì đưa qua các kênh điều trị nào, có bảo đảm các điều kiện quốc tế, thanh toán bảo hiểm quốc tế cho du khách hay không. Cạnh đó cũng phải xét đến trường hợp nếu du khách bị dương tính mà ở thể nặng hoặc không triệu chứng thì sẽ được điều trị như thế nào.
“Theo hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL thì khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD. Đây là điều kiện bắt buộc nên chúng tôi phân vân vì liệu đối tác có chấp nhận hay không. Cùng với đó là một số điều kiện khác và chúng tôi phải chuyển cho đối tác để họ lựa chọn. Nếu phù hợp thì họ đến, còn không phù hợp, họ sẽ chuyển sang điểm đến khác thuận lợi hơn”, ông Tâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Duẩn, Phó Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng cho biết, sau 2 năm du lịch “đóng băng”, việc Chính phủ cho phép đón khách quốc tế trở lại là tín hiệu rất mừng đối với cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, để các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú hoạt động thuận lợi, hiệu quả thì phải có hướng dẫn cụ thể hơn từ các sở, ngành của từng địa phương.
Theo ông Duẩn, thực tế dù đã sẵn sàng mở cửa đón khách quốc tế nhưng nhiều khách sạn tại Đà Nẵng còn đang chờ đơn hàng từ các đơn vị lữ hành nên vẫn chỉ phục vụ khách trong nước là chủ yếu.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho hay, sau khi mở cửa cũng cần phải có thời gian cho các hoạt động xúc tiến quảng bá và kết nối với các thị trường có khả năng phục hồi trước thì mới có khách đến.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, để đón và phục vụ khách quốc tế, cùng với việc nối lại các đường bay, hiện có khoảng gần 50% số cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng mở cửa và 150 đơn vị lữ hành hoạt động trở lại với nhiều sản phẩm du lịch mới thú vị, bất ngờ. 5 thị trường mà Đà Nẵng hướng tới là Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và xa hơn là thị trường châu Âu, Australia, Mỹ...vào dịp cuối năm.
Theo VTC