Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng qua, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực với chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Đối với nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thị trường năm nay sôi động hơn so với năm trước, lượng đơn hàng tăng hơn đáp ứng đủ công suất đến hết năm nay.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, cơ khí và thương mại Bình Minh cho biết: "Lượng đơn hàng của doanh nghiệp hiện đã đủ đến tháng 12 tới, trong đó lượng đơn hàng xuất khẩu chiếm khoảng 20% doanh thu, cùng với đó là 80% cung cấp cho các doanh nghiệp FDI, tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Chúng tôi đang có kế hoạch trong năm 2025 sẽ đầu tư thêm một nhà máy mới chuyên sản xuất sản phẩm đúc nhôm, đúc kẽm… phục vụ trong ngành sản xuất ô tô, ô tô điện và một số ngành sản xuất khác…"
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn còn gặp khó khăn về nguồn vốn và chính sách hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các doanh nghiệp công nghiêp hỗ trợ đang gặp áp lực về đầu ra nên phải “vật lộn” với việc đầu tư sản xuất. Do đó, để vừa có thể tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu vừa giữ được đơn hàng, đáp ứng về tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Hoàng cho rằng: "Hiện nay chúng tôi đang cùng với các doanh nghiệp đưa ra được những chương trình hành động, chúng tôi phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu, hiện đại với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, đảm bảo trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Chúng tôi nghĩ rằng với những chính sách đã có, tới đây Đảng và Nhà nước và Chính phủ tiếp tục quan tâm để đổi mới và thúc đẩy chính sách cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tôi tin rằng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ vươn lên một tầm cao mới".