Nghề chăn nuôi bò sữa từ nhiều năm qua được xem là thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng. Mô hình đã góp phần quan trọng giúp đời sống nhiều hộ dân, nhất là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc Khmer nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế. Đây cũng là vật nuôi được xem là “cây cần câu” hiệu quả giúp người dân Sóc Trăng bám trụ với quê nhà, hạn chế được việc di dân lên các thành phố lớn mưu sinh.
Ông Sơn Hang ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cho biết, ông bắt đầu chăn nuôi bò sữa từ năm 2009 với ban đầu chỉ 1 con bò. Năm 2015, ông tham gia Dự án chăn nuôi bò sữa của tỉnh, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, giống cỏ, giống bắp, vốn xây dựng chuồng trại … đã giúp gia đình ông phát triển nhanh nghề chăn nuôi bò.
Đến nay, gia đình ông có tổng cộng 18 con bò sữa, trong đó có 6 con đang cho sữa với bình quân mỗi ngày thu được 100kg sữa. Ông Hang nhẩm tính, nếu trừ chi phí xong, hiện nay mỗi tuần ông thu về lợi nhuận trên 6 triệu đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông.
“Nếu mình có vốn và năng lực mình sẽ mở rộng chăn nuôi. Chăn nuôi bò quan trọng nhất là chọn được giống bò tốt, xây dựng chuồng trại được thông thoáng, phòng bệnh tốt và thức ăn đầy đủ, cỏ có nhiều dinh dưỡng thì bò sẽ cho sữa đạt tiêu chuẩn của đơn vị thu mua là Vinamilk”, ông Hang nói.
Còn anh Thạch Minh Dương ở ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ, trước đây kinh tế của gia đình cũng tương đối khó khăn, đến năm 2012 khi bắt đầu đến với nghề nuôi bò sữa, cuộc sống bắt đầu được cải thiện và ổn định hơn. Từ 2 con bò sữa ban đầu, đến nay gia đình đã phát triển được hơn 10 con bò sữa. Nếu so với thu nhập từ chăn nuôi bò sữa thì hiệu quả hơn trồng màu và làm lúa.
“Từ khi gia đình bắt đầu tham gia dự án chăn nuôi bò Heifer, kinh tế được cải thiện, cuộc sống của ổn định bởi nuôi bò sữa cho thu nhập cao. Trong tương lai, nếu chăn nuôi bò sữa tiếp tục ổn định gia đình sẽ mở rộng thêm đàn bò”, anh Dương cho biết dự định của mình.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, từ nền tảng chăn nuôi bò sữa của HTX Nông nghiệp Evergrowth quy mô nhỏ lẻ, năm 2013 tỉnh bắt đầu triển khai Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa. Chương trình nhanh chóng mang lại hiệu quả tích cực, như góp phần chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, từng bước hình thành nghề chăn nuôi bò sữa trong tỉnh, chung tay thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Ngoài ra, người chăn nuôi bò sữa còn được trang bị kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi và khuynh hướng phát triển bò sữa theo hướng tăng quy mô, hình thành các nông hộ, trang trại chăn nuôi.
Ông Tăng Thanh Chí, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên cho biết, để Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tại địa phương mang lại hiệu quả, trong thời gian qua, huyện đã hỗ trợ thụ tinh gần 3.300 liều, hỗ trợ 160 con bò sữa cái hậu bị cho 91 hộ và cho mượn vốn mua bò 24 con đối với 12 hộ.
Ngoài ra, huyện còn đào tạo nghề cho 20 kỹ thuật viên gieo tinh nhân tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho nông dân, tham quan học tập mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng được trên 50 mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến, như quy trình trồng cỏ, ủ phân, ủ rơm, ủ chua… kết quả là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay sản lượng sữa bò của huyện đạt bình quân khoảng 4 - 4,3 tấn/ngày, trong đó, Công ty CP Sữa Vinamilk thu mua khoảng 2,2 - 2,5 tấn, còn hợp tác xã Evergrowth thu mua khoảng 1,7-1,8 tấn và giá sữa trung bình hiện nay vào khoảng 13.000 đồng/kg.
“Theo tính toán, lợi nhuận bình quân 1 kg sữa vào khoảng trên 5.000 đồng. Nhìn chung mô hình chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo công ăn việc làm và tạo thu nhập cho người dân ở nông thôn”, ông Tăng Thanh Chí cho biết thêm.
Tính đến cuối năm 2020, tổng đàn bò sữa của tỉnh Sóc Trăng phát triển lên hơn 10.000 con, tăng hơn 5.300 con với năm 2013. Đàn bò sữa được nuôi tập trung tại 5 huyện, thành phố gồm Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Châu Thành, thành phố Sóc Trăng. Từ số lượng đàn bò sữa này, hàng năm cho sản lượng sữa đạt 12.530 tấn. Đến thời điểm hiện tại, thị trường tiêu thụ sản phẩm sữa tươi ở Sóc Trăng cũng khá rộng, được các doanh nghiệp thu mua, chế biến cung cấp cho toàn quốc. Đây chính là yếu tố động lực để phát triển chăn nuôi bò sữa trong những năm tới.
Ngoài ra, để chăn nuôi bò sữa được bền vững, Sóc Trăng còn phát triển diện tích đồng cỏ 1.000 ha để người dân tăng được thức ăn thô xanh cho đàn bò sữa. Mô hình cũng giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer, giúp cho người nông dân có thêm thu nhập; góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và làm tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa các dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa cho người dân tại các địa phương có điều kiện thuận lợi; trong đó, chỉ đạo ngành nông nghiệp quan tâm, chú trọng đến các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả; đồng thời, có chính sách phù hợp đối với đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc, các tổ hợp tác, hợp tác xã…
“Tỉnh quan tâm đến chính sách đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn nhưng có tư liệu, điều kiện sản xuất và nguyện vọng sản xuất. Chính sách này phù hợp cho các đối tượng tại vùng đồng bào dân tộc của tỉnh, phù hợp với chủ trương xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm kinh tế ngay tại địa phương”, ông Nam nêu rõ.
Ngoài ra, để Dự án phát triển chăn nuôi bò nói chung và bò sữa nói riêng tiếp tục đạt hiệu quả kinh tế cao, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng còn tập trung nâng cao chất lượng con giống, duy trì và nhân rộng các mô hình chăn nuôi tiên tiến đảm bảo an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ kỹ thuật, năng lực sản xuất và liên kết cho các hộ chăn nuôi bò, nâng cao chất lượng nguồn thức ăn và cơ giới hóa trong chăn nuôi, hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn cũng như tăng quy mô chăn nuôi trong hộ gia đình… đang là các mục tiêu của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới./.