Chứng sa sút trí tuệ trở thành một mối lo ngại bởi tình trạng này làm suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Có nhiều yếu tố có thể khiến mọi người có nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ cao hơn. Trong khi các tác nhân như tuổi tác, di truyền và giới tính là không thể thay đổi, thì những yếu tố khác nằm trong tầm kiểm soát.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tránh một số thói quen nhất định có khả năng giúp giảm tới 60% nguy cơ phát triển các bệnh như Alzheimer - loại bệnh sa sút trí tuệ phổ biến nhất.
Sau đây là những thói quen hàng ngày có thể đang làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức của bạn:
Không hoạt động thể chất
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc không hoạt động thể chất khiến bạn có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao gấp 4 lần.
Giáo sư Samuel Gandy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Alzheimer Mount Sinai ở Thành phố New York (Mỹ), cho biết thiết lập một thói quen tập thể dục, thậm chí là đi bộ vài lần một tuần, có thể giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ hoặc làm chậm sự tiến triển của chứng bệnh này.
Thiếu kích thích tinh thần
Giữ cho tâm trí của bạn hoạt động thông qua các hoạt động như đọc sách, học các kỹ năng mới, chơi trò chơi hoặc thậm chí chỉ tham gia vào tương tác xã hội thường xuyên đều có thể giúp bạn luôn nhạy bén và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về nhận thức khi bạn già đi.
Các nghiên cứu cũng đã tìm thấy mối tương quan giữa trình độ học vấn cao hơn và khả năng mắc chứng sa sút trí tuệ thấp hơn, qua đó nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của việc sử dụng và thử thách não bộ.
Ăn một chế độ ăn uống không lành mạnh
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra mối quan hệ giữa thừa cân hoặc béo phì và sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ khi về già.
Cụ thể, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế cho thấy những người thừa cân có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 - 29,9 và người béo phì với chỉ số BMI từ 30 trở lên có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ lần lượt cao hơn 27% và 31% so với người có cân nặng bình thường.
Do vậy, chú ý đến chế độ ăn uống và dinh dưỡng là chìa khóa để giữ cho trí óc nhạy bén. Thêm các loại thực phẩm như rau xanh, các loại hạt, cá và quả mọng vào bữa ăn sẽ giúp tăng cường hoạt động của não bộ, theo Harvard Health.
Uống rượu
Trung tâm cai nghiện Mỹ cho biết uống rượu nhiều và lâu dài có thể gây tổn hại đến chức năng nhận thức, thậm chí dẫn đến chứng mất trí nhớ.
Theo một nghiên cứu trên The Lancet Public Health, rối loạn do sử dụng rượu bia nên được công nhận là một yếu tố nguy cơ chính đối với tất cả các loại chứng sa sút trí tuệ.
Hút nhiều thuốc lá
Hút thuốc lá gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe, trong đó có suy giảm nhận thức. Chất nicotine trong thuốc lá phá vỡ các chức năng của não, gây suy giảm nhận thức nhanh hơn khi bạn già đi và dẫn đến tăng nguy cơ mất trí nhớ.
Theo một nghiên cứu của Thư viện Y khoa Quốc gia, những người hút thuốc lá nhiều trong suốt cuộc thử nghiệm kéo dài 25 năm có khả năng bị suy giảm nhận thức cao gấp đôi so với những người không hút.
Hít thở không khí ô nhiễm
Ngoài việc gây hại cho phổi, việc tiếp xúc lâu với các chất ô nhiễm như khí thải giao thông hoặc vật liệu đốt cũng đe dọa chức năng nhận thức.
Nghiên cứu trước đây cho thấy sống ở những nơi có mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời cao có liên quan đến khả năng mắc bệnh Alzheimer hoặc các chứng sa sút trí tuệ khác, có thể gây tổn thương não và teo não.
Ngủ không đủ giấc vào ban đêm
Ngủ không đủ giấc dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, từ suy tim đến đột quỵ, thậm chí là mất trí nhớ.
Bác sĩ y khoa Meg Burke cho biết: “Một nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ có thể làm tăng 20% nguy cơ sa sút trí tuệ. Ở tuổi trung niên, ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm cũng làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già”./.