Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi mạch máu cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn. Điều này làm gián đoạn dòng chảy của máu trong não và làm cho tế bão não bị chết. Một nguyên nhân khác của đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể là động mạch bị thu hẹp do xơ vữa động mạch. Đây là một tình trạng nghiêm trọng và làm tăng nguy cơ bị đột quỵ trong tương lai. Vấn đề là tình trạng bệnh không có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào và có thể khó phát hiện. Một trong những dấu hiệu có thể được phát hiện xuất hiện ở các chi. Vì vậy, nhận biết dấu hiệu và thực hiện các biện pháp phòng ngừa đúng lúc có thể cứu sống bạn.
Các dấu hiệu phổ biến của đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Loại đột quỵ này thường ảnh hưởng đến một bên của cơ thể và phát triển khá nhanh. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm: các vấn đề về thị lực, yếu hoặc tê liệt ở tay chân, hoa mắt, chóng mặt, không phối hợp được các hoạt động, méo một nửa mặt.
Dấu hiệu bất thường ở tay chân
Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của đột quỵ do thiếu máu cục bộ là yếu hoặc tê liệt các chi. Tất cả các dấu hiệu khác của đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột, nhưng dấu hiệu này có thể được phát hiện vài giờ hoặc đôi khi vài ngày trước khi đột quỵ. Trong trường hợp này, người bệnh có thể không cử động được tay chân của mình do đau cơ hoặc căng cơ ở bất kỳ bên nào của cơ thể hoặc bất kỳ tay hoặc chân nào.
Lý do chính khiến tay chân bị ảnh hưởng là chức năng của chúng được kiểm soát bởi bộ não. Chuyển động của chân tay được kích hoạt bởi thông điệp gửi từ bộ não điều khiển nó. Khi nguồn cung cấp máu trong não giảm, việc trao đổi các chỉ thị giữa chúng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến tay chân không thể di chuyển hoặc bị tê liệt. Cơ bắp bị căng và tê là khá phổ biến trong những trường hợp như vậy.
Các yếu tố nguy cơ
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường gặp ở những người có tiền sử gia đình bị đột quỵ hoặc những người đã từng bị đột quỵ. Bên cạnh đó, nam giới thường mắc bệnh này nhiều hơn so với nữ giới. Một số tình trạng sức khỏe làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ bao gồm: huyết áp cao, xơ vữa động mạch, cholesterol cao, bệnh tim mạch, thiếu máu hồng cầu hình liềm, rối loạn đông máu, bệnh tiểu đường, hút thuốc, lạm dụng rượu nặng.
Cách ngăn ngừa đột quỵ
Nếu bạn có tiền sử gia đình bị đột quỵ hoặc đang mắc bất kỳ tình trạng nào làm tăng nguy cơ thì bạn cần phải chăm sóc bản thân nhiều hơn. Dưới đây là một số điều mà bạn cần lưu ý:
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
- Tập thể dục thường xuyên
- Tuân theo chế độ ăn uống tốt cho tim mạch
- Quản lý trọng lượng cơ thể
- Tránh hút thuốc
- Ngủ đủ giấc./.