Với diện tích cho thu quả đạt trên 1.800 ha, sản lượng na Chi Lăng năm nay ước đạt trên 18.000 tấn bao gồm cả na gối vụ. Tổng diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap của huyện trên 613 ha.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, với giá bán bình quân từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, hiện nay, sản phẩm na của huyện tiêu thụ với sản lượng khoảng 300 tấn/ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tiến độ tiêu thụ tương đối chậm do đối tác xuất khẩu không thể vào thu mua trực tiếp vì dịch bệnh, đối tác trong nước lại đối mặt với khó khăn trong lưu chuyển…
“Na hiện nay tiêu thụ chủ yếu dưới 3 hình thức là qua các sàn thương mại điện tử trên posmart, voso, qua mạng xã hội zalo, facebook và tiêu thụ theo phương pháp truyền thống (thương lái thu mua) vẫn là chủ yếu. Qua các kênh như sàn thương mại điện tử đã có hơn 10.000 tài khoản số trên posmart, voso… Mặc dù chưa bán được nhiều sản phẩm na trên các sàn này nhưng đây cũng là kênh để tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm để người dân biết rõ giá quả na trên địa bàn. Cùng với đó, qua bao tiêu sản phẩm của các HTX trên địa bàn, một ngày tiêu thụ hơn 10 tấn na cho bà con nhân dân, và đều có hợp đồng với các vườn trên địa bàn. Qua thống kê, đến thời điểm này, tiêu thụ được khoảng 50% sản lượng na toàn huyện”, ông Phùng Văn Nghĩa cho biết.
Cùng với đó, hiện nay, nhiều hộ dân vẫn sử dụng hệ thống máy tời tự chế để vận chuyển na từ khu vực núi đá xuống điểm thu gom. Mặc dù thuận tiện, nhưng trong những năm qua, không ít trường hợp đã xảy ra sự cố trong khi thu hoạch do các thiết bị chưa đảm bảo an toàn. Điều này đòi hỏi các đơn vị cần có giải pháp để hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong công tác bảo quản thiết bị vận chuyển na, qua đó, khắc phục những hạn chế, sự cố, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân trong vụ thu hoạch na./.
Theo VOV