Thường vào độ tuổi 30-40, thời điểm số lượng tế bào gốc bắt đầu giảm mạnh dẫn tới lão hóa. Khi đó, nếu chúng ta tác động được vào quá trình này, giúp cho thời điểm bước ngoặt đến càng trễ và quá trình giảm số lượng tế bào gốc diễn ra chậm hơn, thì sự lão hóa của chúng ta sẽ tới chậm đi, việc cấy ghép tế bào gốc là một trong những phương án khả thi.
Tại hội nghị Tế bào gốc thường niên lần thứ 12 diễn ra vào ngày 8/12 vừa qua tại Tp. HCM với chủ đề "các công nghệ và sản phẩm ứng dụng từ tế bào gốc" và ra mắt chi Hội Chống lão hóa TP.HCM. PGS-TS Trần Công Toại, Chủ tịch Hội tế bào gốc TP.HCM cho rằng tế bào gốc, với khả năng đặc biệt của mình, đã mở ra một thế giới mới về điều trị bệnh, y học tái tạo, từ các bệnh lý cho đến các vấn đề về tim mạch và thậm chí là lão hóa.
PGS.TS.BS Trần Công Toại, chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM phát biểu tại Hội nghị
Chia sẻ về vấn đề phòng chống lão hoá, bác sĩ Phan Thanh Hào, Giám đốc Bệnh viện DNA cho biết kết quả thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp tế bào gốc trung mô trong điều trị lão hóa tại Việt Nam đã có những kết quả vô cùng tốt.
Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong phòng chống lão hoá được thực hiện trên 12 bệnh nhân lão hóa do viêm và có 2-3 bệnh (tiểu đường, rối loạn mỡ máu và béo phì), gồm 7 nam 5 nữ, tuổi từ 40 đến 64. Mô mỡ tự thân của bệnh nhân được tách chiết tế bào gốc trung mô, sau đó nuôi cấy, truyền lại chính người bệnh đó. Không trường hợp nào ghi nhận tác dụng phụ. Xét nghiệm cho thấy các yếu tố cytokine gây viêm giảm hẳn, triệu chứng lâm sàng cải thiện rõ, tinh thần người bệnh thoải mái, tươi trẻ hơn. Sau những lần truyền tế bào gốc từ mô mỡ của bản thân, bệnh nhân liên quan lão hóa như tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, đã giảm triệu chứng bệnh, da hồng hào, ngủ ngon.
Theo BS Thanh Hào, lão hoá là vấn đề rộng, liên quan nhiều nhóm bệnh về cơ xương khớp, thần kinh, tim mạch
Điều này có thể cho thấy qua việc thay thế những tế bào chết hay bị tổn thương bằng những tế bào mới và trẻ trung trong khắp cơ thể, tế bào gốc không những cung cấp tế bào cho hệ miễn dịch mà còn giúp chúng ta giữ gìn tuổi thanh xuân. Tế bào gốc có vai trò đặc biệt sống còn vì phải thay thế cho những tế bào có tốc độ chết tự nhiên rất nhanh như da, đường ruột và tế bào máu. Khi thực hiện vai trò này, chính tế bào gốc cũng bị hư hỏng, hao mòn và chết đi vì phải sửa chữa và bảo vệ chúng ta. Quá trình lão hóa tỷ lệ thuận với quá trình giảm số lượng và độ khỏe mạnh của tế bào gốc trong cơ thể.
Tại hội thảo, Phó giám đốc Sở KH-CN TP.HCM Lê Thanh Minh cũng nhìn nhận, chúng ta đang đứng trước một thời điểm lịch sử quan trọng, nơi sự hiểu biết và ứng dụng về gen và tế bào gốc đã và đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội. Từ việc nắm bắt khả năng chữa trị các bệnh lý di truyền đến khả năng tái tạo mô cơ thể, chúng ta đang chứng kiến thành quả to lớn của sự tiến bộ về khoa học và công nghệ
Trong khuôn khổ của hội nghị tế bào gốc lần thứ 12 tại TP.HCM, Ban Chấp hành Hội Tế bào gốc TP.HCM đã ra mắt chi Hội Chống lão hóa TP.HCM, bầu bác sĩ Phan Thanh Hào làm Chủ tịch chi hội này. Chức năng, nhiệm vụ của chi hội thực hiện theo điều lệ của Hội Tế bào gốc TP.HCM.
Thu Thủy