Thời điểm này, bằng lăng vừa ra hoa được hơn 10 ngày, sắc tím đều, đẹp mắt. Tranh thủ mặt trời vừa lên đủ sáng, nhiều người dân, du khách già trẻ đã về đây để lưu cho mình những bức ảnh đẹp nhất bên gốc bằng lăng tím rợp. Nhiều du khách còn chuẩn bị cả áo dài, nón lá để tạo dáng thật đẹp.
"Mình biết đến cây bằng lăng này từ các thông tin trên mạng xã hội. Khi đến đây thì thật sự choáng ngợp trước vẻ to lớn, lung linh của cây bằng lăng. Thật sự nếu không có mặt ở đây thì mình chỉ nghĩ rằng đây là một cây giả, vì nó quá đẹp" – chị Trần Thị Thùy Trang (bìa phải), một du khách ngạc nhiên trước vẻ đẹp gốc bằng lăng.
Cây bằng lăng thuộc sở hữu của lão nông Võ Văn Ban (63 tuổi), nằm cạnh Quốc lộ 1, đoạn qua xã Hồng Liêm, cách TP Phan Thiết hơn 30 km về hướng Tây Bắc. 23 năm trước, trong một lần đi làm nông ngang qua triền Núi Đất, cách nhà hơn 3 km, ông Ban thấy bụi bằng lăng ổi có dáng đẹp nên đã đưa lên chiếc xe gắn máy, đèo về nhà trồng.
Gốc bằng lăng có tán rộng, xòe tròn
Ban đầu, bụi bằng lăng cao chưa đến 2 mét, hoa đẹp, nhưng nhiều nhánh nảy không đều. Qua bàn tay chăm sóc, cắt tỉa của ông Ban, đến nay cây bằng lăng có chiều cao hơn cả nóc nhà, dáng xòe hình cây nấm, được tạo hình từ 7 nhánh, nằm chung trong một gốc. Mỗi nhánh nhỏ nảy một đài hoa dài, gồm nhiều chùm bông tím, tròn, cực kỳ bắt mắt.
Gốc bằng lăng có 7 nhánh chung một bụi tạo thành
Hoa nở từng chùm, nảy trên các nhánh
Để tạo dáng cho gốc bằng lăng đẹp hút hồn như hiện tại, ngoài việc cắt tỉa, ông Ban phải cầu kỳ bón phân chuồng 2 lần, canh đúng vào thời điểm vừa rụng lá và chuẩn bị ra nụ hoa. Ông Ban cho biết cây thường ra hoa vào đầu mùa mưa, và kéo dài khoảng một tháng. Hai năm gần đây, mùa mưa tại Bình Thuận đến sớm nên gốc bằng lăng cũng ra hoa sớm hơn mọi khi.
Gốc bằng lăng nhìn từ xa có hình dạng một cây nấm khổng lồ, cao quá nóc nhà
Vẻ đẹp của gốc bằng lăng "đẹp nhất Việt Nam" tại Bình Thuận được lan truyền mạnh, thu hút rất đông du khách đến đây mỗi đợt cây ra hoa.
Du khách kiểm tra những bức ảnh đã chụp
Dù mỗi ngày có đến hàng trăm người đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh từ mờ sáng đến chập tối, nhưng gia đình ông Ban không cảm thấy phiền, mà ngược lại rất tự hào vì công sức chăm sóc được tán thưởng.
Nhiều gia đình tranh thủ lưu những bức ảnh bên gốc bằng lăng
"Có lần một người từ TP HCM chạy ra chụp ảnh, xong họ thấy cây đẹp quá, tự hỏi mua với giá 500 triệu đồng, nhưng tôi lắc đầu. Tiền tỉ thì có thể nhiều người có, nhưng gốc cây độc đáo như thế này không phải ai cũng có, và ai cũng sở hữu được" – ông Võ Xuân Ban cho biết.
Ông Võ Văn Ban, chủ gốc bằng lăng "đẹp nhất Việt Nam" chia sẻ
Người xe nườm nượp check in bên cây bằng lăng
Quán nước của gia đình ông Ban bắt đầu mở từ ít ngày qua để phục vụ du khách
Theo thạc sỹ Võ Văn Thưởng, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, gốc bằng lăng mà nhiều du khách tìm về check in tại xã Hồng Liêm là bằng lăng ổi, tên khoa học Lagerstroemia calyculata Kurz, họ Tử vi (Lythraceae).
Cây ra hoa vào đầu mùa mưa và kéo dài khoảng 1 tháng
Giống hoa này phân bố nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là tại các khu vực triền đồi. Dọc Quốc lộ 1 qua địa bàn các huyện phía Bắc tỉnh Bình Thuận có khá nhiều nơi trồng loại cây này làm kiểng hoặc mọc ngoài tự nhiên.