Sau giai đoạn phong tỏa, giãn cách vì dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm rau-củ-quả tại các quốc gia khu vực EU đang gia tăng. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam đang đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và tìm hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, những mặt hàng này của Việt Nam dù được đánh giá là có nhiều lợi thế song chưa tận dụng được cơ hội nên thị phần tại khu vực EU vẫn hết sức mờ nhạt.
Sản phẩm đa dạng nhưng ít lợi thế
Tại tọa đàm chuyên đề trực tuyến về xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group chia sẻ, EU là thị trường chấp nhận, cho phép tất cả rau quả Việt Nam được xuất khẩu vào mà không cần qua con đường đàm phán. Dù vậy, điểm bất lợi ở chỗ thị trường EU không có đại diện kiểm dịch tại Việt Nam để kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu đi đã gây nhiều khó khăn cho các DN, bởi hàng rào kỹ thuật của thị trường EU rất nghiêm khắc, khiến nhiều DN Việt khi mới thâm nhập vào thị thường EU thường phải trả giá khá đắt.
“Kinh nghiệm khi đưa hàng hóa nông sản, nhất là các mặt hàng rau-củ-quả vào thị trường EU phải hết sức coi trọng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi loại trái cây đều có luật riêng nên khi xuất khẩu bất kỳ loại trái cây nào, DN cũng cần nghiên cứu rất kỹ để không vi phạm luật”, ông Tùng nhấn mạnh.
Khẳng định rau quả xuất khẩu sẽ không có chỗ đứng ở châu Âu nếu không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Trung Kiên, Đại sứ Việt Nam tại Áo nhấn mạnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường là những vấn đề người dân EU ngày càng coi trọng, đòi hỏi cao. “Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đang đối mặt thách thức lớn trong bảo quản thực phẩm khi xu hướng cơ bản vẫn là sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng phương pháp bảo vệ cây trồng, chống côn trùng phi hoá chất là vấn đề lâu dài cần chú trọng thúc đẩy hơn trong thời gian tới”, ông Kiên nói.
Thời gian gần đây, công tác truyền thông, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho trái cây tươi của Việt Nam đã được triển khai khá tốt. Tuy nhiên, sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam còn hạn chế nhất định, đặc biệt là ở khâu bảo quản sau thu hoạch.
Chính vì thế, theo kinh nghiệm của bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, trong thời điểm bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 vừa qua, DN đã chuyển sang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đông lạnh chế biến, thu về thành công ngoài mong đợi, nhất là sản phẩm sầu riêng.
“Từ trước tới nay, nhiều DN vẫn suy nghĩ sản phẩm tươi mới đạt được giá trị cao, nhưng qua thực tế khi DN xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Australia lại đạt hiệu quả cao. Từ thành công này, DN mong muốn được phối hợp, hỗ trợ nhiều hơn nữa với sản phẩm chế biến sâu”, bà Vy nói.
Vượt trở ngại về chi phí
Thời gian qua, chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh khâu quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ rau quả lớn, uy tín hay tìm mọi cách kéo giảm chi phí logistics… là hàng loạt giải pháp được các DN đẩy mạnh để có thể xuất khẩu thành công rau quả vào thị trường EU.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Đại sứ Việt Nam tại Italy, quốc gia này là thị trường nhập khẩu hoa quả khá lớn song tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 1%. Để xuất khẩu được trái cây vào Italy nói riêng, thị trường EU nói chung theo bà Huệ công tác quảng bá còn nhiều việc phải làm. Một trong số đó là cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành như Công Thương, Nông nghiệp, Ngoại giao, các địa phương, DN để tham gia vào các hội chợ hoa quả lớn ở EU, tiếp cận được cách quảng bá rau quả.
“Hàng nghìn nhà xuất nhập khẩu sẽ có mặt ở các hội chợ lớn. Thậm chí, có những hội chợ lớn còn tổ chức hoạt động như ngày trái bơ, ngày trái xoài. Nếu có thể liên hệ để có “ngày trái vải Việt Nam” tại các hội chợ là điều rất tốt”, bà Huệ chia sẻ và lưu ý, các DN cần vượt qua được những khó khăn về logistics vì hiện nay, chi phí và thủ tục vận chuyển hoa quả từ Việt Nam sang EU không hề đơn giản.
Ông Thái Xuân Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Cộng hòa Séc bày tỏ quan điểm, chi phí logistics đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản phẩm rau quả xuất khẩu vào thị trường Séc nói riêng cũng như EU nói chung, do đó, các Bộ, ngành và DN cần tìm cách kéo giảm chi phí này xuống.
“Những sản phẩm rau quả chế biến sâu sẽ đem lại giá trị gia tăng cao hơn nên các DN xuất khẩu cần đầu tư công nghệ để tập trung vào lĩnh vực này, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, DN cần tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để tạo lợi thế cho các sản phẩm rau quả tại thị trường EU”, ông Dũng đề cập./.