Sau dịch COVID-19, thị trường có mặt hàng chục thương hiệu xe máy điện, số cửa hàng mở ra cũng nhiều hơn - không chỉ ở thành phố lớn mà còn cả các vùng nông thôn.
Dư địa rất lớn
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), 3 quý đầu năm 2023, toàn thị trường tiêu thụ 1,833 triệu xe gắn máy, giảm hơn 337.000 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số xe máy điện lại tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ 30%-40%/năm.
Theo ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải - Bộ Giao thông Vận tải, hiện có khoảng 72 triệu xe gắn máy đã đăng ký, trong đó bao gồm khoảng 2 triệu xe máy điện.
Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng xe máy điện tham gia thị trường đã tăng mạnh với nhiều thương hiệu đến từ nhiều quốc gia. Tín hiệu này cho thấy xe máy điện có khả năng thay thế xe chạy xăng trong bối cảnh chuyển đổi xanh diễn ra mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO hãng xe máy điện Selex Motors, tỏ ra lạc quan khi Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ xe máy điện.
Dư địa thị trường còn rất lớn để các hãng xe đầu tư chuyển đổi sản xuất từ xe xăng sang xe điện. Khi có lộ trình chuyển đổi rõ ràng hơn để nhà sản xuất và người dân nắm bắt, thị trường xe máy điện sẽ còn phát triển hơn nữa.
Cũng theo ông Nguyên, giá xe máy điện tại Việt Nam còn khá cao so với xe máy truyền thống do thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện khá cao, lên đến 20%. Nếu thuế giảm sẽ kéo giá thành xe máy điện giảm xuống, người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn. Ngoài ra, cần thêm chính sách hỗ trợ về lệ phí trước bạ, phí ra biển số, thuế GTGT...
"Chính phủ các nước Indonesia, Thái Lan hỗ trợ 400 - 500 USD cho người mua xe máy điện để kích cầu. Doanh nghiệp thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và hỗ trợ về đất đai" - ông Nguyên dẫn chứng.
Từ thực tế trên, ông Nguyên tỏ ra lo ngại khi các nước có thể sẽ sớm tăng tốc phát triển xe máy điện, còn Việt Nam mặc dù có dư địa lớn nhưng thiếu chính sách để phát triển.
Hãng xe tăng tốc đầu tư
Tập trung vào chuỗi sản phẩm xe điện, VinFast đã đưa 28.220 chiếc xe máy điện đến tay khách hàng trong quý III/2023, tăng 177% so với quý trước đó và tăng 113% so với cùng kỳ.
Tháng 8 vừa qua, hãng xe máy điện Yadea Việt Nam công bố xuất xưởng chiếc xe máy điện thứ 100.000 chỉ sau 4 năm tham gia thị trường. Hãng cũng mới đầu tư 100 triệu USD xây dựng nhà máy ở KCN Tân Hưng (tỉnh Bắc Giang) với quy mô hơn 230.200 m2, gấp 5 lần nhà máy hiện tại ở KCN Quang Châu (cùng tỉnh này). Dự kiến nhà máy mới đi vào hoạt động trong năm 2025, công suất hơn 2 triệu xe/năm.
Trong khi đó, Selex Motors năm nay ghi nhận số lượng xe máy điện bán ra tăng gấp 5 lần so với năm ngoái. Hãng đặt mục tiêu năm 2024 tăng trưởng doanh số gấp 10 lần so với năm 2023. Để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường, hãng đầu tư 2 triệu USD xây dựng thêm nhà máy sản xuất xe máy điện công suất 10.000 chiếc/năm, nâng tổng công suất lên 20.000 chiếc/năm.
Bất ngờ hơn, Dat Bike ghi nhận doanh số 2 tháng qua bằng 10 lần tổng doanh số cả năm ngoái. Dự kiến năm 2024, số lượng xe máy điện của Dat Bike đưa ra thị trường tăng gấp 12 lần năm nay.
Ngay tại thời điểm này, đơn hàng đặt mua xe máy điện của thương hiệu này đã tăng mạnh nên đến tháng 3-2024, hãng mới hoàn tất giao số xe còn nợ khách. Dat Bike cũng quyết định đầu tư thêm nhà máy tại TP HCM với công suất gấp đôi nhà máy đầu tiên tại tỉnh Bình Dương.
Tương tự, Tập đoàn Hà Sơn đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện EVGO tại KCN Thuận Thành II (tỉnh Bắc Ninh) với công suất 300.000 - 600.000 chiếc/năm.
Tập đoàn này cũng hợp tác với Tập đoàn Bosch để phát triển công nghệ xe máy điện, hợp tác với Công ty CP Giải pháp năng lượng VinES (thuộc Vingroup) về sản xuất pin xe điện.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, xác nhận sau khi nhà nước đưa ra định hướng về chuyển đổi xanh, giảm phát thải, tập đoàn đã đẩy mạnh đầu tư và cho ra mắt hàng chục mẫu xe máy điện.
Tràn lan xe máy điện không rõ xuất xứ
Cùng với xu hướng ưa chuộng xe điện, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng trà trộn vào các cửa hàng và có đất sống.
Khảo sát một số cửa hàng mới bị kiểm tra, xử phạt gần đây, chúng tôi thấy bên cạnh những cửa hàng đã ngừng hoạt động, còn không ít cửa hàng vẫn kinh doanh bình thường.
Chẳng hạn, phoxedien.com (138 Trường Chinh, quận Tân Bình, TP HCM) là một trong những cửa hàng được phát hiện có vi phạm tại cuộc kiểm tra vào đầu tháng 12-2023 nhưng vẫn đang hoạt động.
Theo nhân viên cửa hàng, trừ những xe vi phạm đã bị cơ quan chức năng tạm giữ, số còn lại vẫn được bán bình thường.
"Trước đây, khách vào khá nhiều, có buổi tiếp cả chục khách nhưng từ khi cửa hàng bị kiểm tra, xử lý thì không thấy bóng dáng vị khách nào" - nhân viên này than thở.
Tương tự, cửa hàng xe điện trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TP HCM) cũng vắng hoe, thỉnh thoảng mới có 1-2 khách ghé thăm nhưng hầu hết đều bỏ đi, không mua hàng. Chi nhánh Hamachi ở 1022 Cách mạng Tháng Tám (quận Tân Bình, TP HCM) sau khi bị kiểm tra thì đến nay vẫn đóng cửa. Trong khi đó, chi nhánh Hamachi ở 383D Cách mạng Tháng Tám (quận 10, TP HCM) đóng cửa không rõ lý do vào thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra song đã mở cửa trở lại vào ngày 20-12.
Trước đó, từ ngày 4 đến 6-12, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đồng loạt kiểm tra 10 điểm kinh doanh phoxedien.com tại TP HCM, Cần Thơ, tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và tạm giữ trên 200 xe đạp điện thương hiệu Pega, Kazuki, DK Bike, Osakar, Lihaze Ebike, Dylixe, Sarune... Sau đó, trong 2 ngày 14 và 15-12, Tổng cục QLTT, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp 12 Cục QLTT kiểm tra 34 cơ sở kinh doanh xe đạp điện được giới thiệu trên 2 website hamachi.vn và thegioixechaydien.com.vn, thu giữ gần 300 xe đạp điện, xe máy điện nhãn hiệu Hamachi, Tonochi, Osakar... không niêm yết giá, không rõ xuất xứ...
Theo Báo Người lao động