Hội thảo "Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" đã được tổ chức ngày 12-3 tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức.
Giá trị xuất khẩu chưa tương xứng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết hội thảo "Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" là dịp gặp gỡ, kết nối giữa các cơ quan trung ương, cơ quan, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn với các nhà khoa học, doanh nghiệp (DN), HTX sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhà đầu tư, chuỗi phân phối, cơ quan ngoại giao, xúc tiến thương mại... Từ đó, cùng nhau đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy ngành hàng cà phê Việt Nam phát triển xanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ban tổ chức, diện tích cà phê Việt Nam năm 2022 khoảng 710.000 ha với sản lượng 1,84 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỉ USD. Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, được trồng chủ yếu ở vùng Tây Nguyên - chiếm 91% diện tích và 93% sản lượng của cả nước. Ngành cà phê đã tạo việc làm và thu nhập cho trên 600.000 hộ nông dân, với 2 triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng trồng cà phê khác trên cả nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham quan các gian hàng cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần 8 năm 2023
Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ NN-PTNT cho biết trong "làn sóng thứ ba" của cà phê thế giới hiện nay, quan điểm về chất lượng không chỉ gói gọn trong từng hạt cà phê mà còn mở rộng ra cả quá trình từ chọn giống, trồng, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản, đến cả cách thưởng thức.
Dù đã đạt được những thành tựu không nhỏ song ngành cà phê Việt Nam vẫn còn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, niên vụ 2021-2022, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu cà phê Robusta với 1,5 triệu tấn, kim ngạch 2,97 tỉ USD; cà phê nhân Arabica chỉ xuất 60.000 tấn, kim ngạch 260 triệu USD; cà phê nhân đã khử caffeine 26.000 tấn, kim ngạch 76,9 triệu USD.
Trong thương mại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, sau đó được trộn lẫn với cà phê từ các nước để chế biến nhiều sản phẩm khác nhau nên người tiêu dùng không biết đến cà phê Việt. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới nên dù đứng hàng đầu về sản lượng xuất khẩu, Việt Nam chỉ đứng thứ 10 về giá trị.
Nông dân cần được chia sẻ lợi ích nhiều nhất
Tại hội thảo, các bộ, ngành, chuyên gia, DN đều nhất trí việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cà phê là một trong những hướng đi nhằm phát triển cà phê Việt ổn định, bền vững. Sự liên kết chặt chẽ từ nông dân đến các công ty chế biến sẽ tạo nên một dây chuyền sản xuất cà phê bảo đảm chất lượng cao, đáp ứng yếu tố môi trường và phát triển một cách bền vững.
Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ NN-PTNT đề xuất các giải pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết. Cụ thể, về sản xuất, chế biến, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả như: đẩy mạnh tái canh, tiếp tục đầu tư vùng nguyên liệu, xây dựng vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn về cà phê bền vững, cà phê chứng nhận, đáp ứng nhu cầu, điều kiện kỹ thuật của người mua; hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật để họ yên tâm trồng trọt. Đặc biệt, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cà phê.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát triển hạ tầng thương mại, hệ thống logistics kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Bên cạnh việc tập trung duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, cần nhanh chóng phát triển các thị trường tiềm năng, nhất là EU và các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các nước ASEAN...
Ngoài ra, phải củng cố tổ chức và hoạt động của các chi hội, tổ hợp tác, HTX sản xuất cà phê. Trong đó, chú trọng tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị của các HTX sản xuất cà phê. Thành lập các HTX ngay tại vùng nguyên liệu, tạo nên chuỗi liên kết bền vững từ nông dân đến nhà xuất khẩu…
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng để cà phê Việt Nam tăng giá trị thì không chỉ ở chế biến tinh mà còn ở giá trị văn hóa tiêu dùng cà phê để đi vào đúng cảm xúc. Theo ông, chúng ta cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn; làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ lợi ích nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng.
"Cần kiến tạo dư địa mới, không gian phát triển sáng tạo các sản phẩm từ hạt cà phê... Cần tích hợp yếu tố văn hóa vào sản xuất - kinh doanh để cộng hưởng, làm gia tăng giá trị ngành hàng cà phê. Văn hóa cà phê Việt Nam bắt đầu từ nông dân, tới các DN và nhà phân phối để cộng hưởng thành một hình ảnh. Chúng ta kéo dòng người đến Tây Nguyên nhiều hơn và đưa Tây Nguyên đi xa hơn bằng thương hiệu chung cà phê Việt Nam…" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Xem cà phê là sản phẩm quốc gia
Các đại biểu cũng cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành cần hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, giống, mô hình trồng mới, các ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm vật tư đầu vào và phát thải cho người sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cà phê. Hỗ trợ công nghệ cơ khí hóa, tự động hóa trong chế biến sâu, bảo quản để bảo đảm chất lượng cà phê đặc sản có hương vị đặc trưng, đáp ứng nhu cầu ở các thị trường cà phê đặc sản trong nước và quốc tế. Cùng với đó, cần xem cà phê là sản phẩm quốc gia và cần có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Đồng thời, xây dựng trung tâm đào tạo ngành cà phê tại Việt Nam, coi nghề cà phê là nghề chuyên nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng cho Tây Nguyên để tạo lợi thế cho hoạt động thương mại, giao thương hàng hóa...