Chỉ số kim loại công nghiệp của S&P Goldman Sachs – thuộc tập hợp Chỉ số hàng hóa S&P Goldman Sachs (S&P GSCI), được theo dõi rộng rãi – đã tăng hơn 38% kể từ ngày 1/6/2020. Trong đó, giá đồng, nhôm, nickel và kẽm đều tăng ngang ngửa so với vàng – kim loại đã đạt mức giá cao nhất mọi thời đại vào tháng 8/2020. Thậm chí một số kim loại cơ bản giá còn tăng mạnh hơn cả vàng.
Giá đồng sau thời gian tăng liên tiếp đã đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 2/2013 là 7.973,5 USD/tấn hôm 10/12/2020; so với thời điểm giá thấp nhất 45 năm hồi tháng 3, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, giá đồng đã tăng 83%. Giá nhôm cũng đang xoay quanh mức cao nhất trong vòng 2 năm, trong khi nickel chạm mức cao nhất 14 tháng, còn kẽm cao nhất gần 20 tháng.
Chỉ số Goldman Sachs Commodities Index (S&P GSCI)
Sự ‘bùng nổ’ giá kim loại chủ yếu do nhu cầu sôi động từ Trung Quốc và một số vấn đề liên quan đến nguồn cung gây lo ngại sẽ thiếu hụt kim loại đỏ.
Nhà phân tích Natalie Scott-Gray của nhà môi giới StoneX cho biết: "Sự phục hồi hình chữ V ở Trung Quốc đã vượt xa kỳ vọng của thị trường, được hỗ trợ bởi việc thực hiện khóa cửa nghiêm ngặt và sớm ngay sau khi dịch bệnh mới bùng phát, những chương trình kích thích do chính phủ chỉ đạo và các giải pháp giảm tác động của dịch bệnh do Nhân dân Trung Quốc đưa ra".
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã phục hồi rất tốt nhờ sự bùng nổ nhu cầu đối với một số hàng hóa trên toàn cầu cũng như sự hồi phục của ngành sản xuất xe hơi.
Lần gần đây nhất, kim loại công nghiệp tăng vượt trội so với các hàng hóa khác là năm 2017, khi các nền kinh tế trên khắp thế giới tăng trưởng với tốc độ cao nhất kể từ 2010, và việc Trung Quốc giảm mạnh công suất sản xuất khiến giá kim loại tăng vọt. Còn trước đó nữa, khi tốc độ tăng giá kim loại công nghiệp vượt xa các hàng hóa khác là năm 2009, khi kinh tế t hế giới hồi phục sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tính từ đầu năm đến nay, giá kim loại công nghiệp tăng 21%, chỉ đứng sau nhóm kim loại quý (tăng 22%), theo dữ liệu của S&P.
Theo Scott-Gray: "Khó khăn lớn nhất chính là dịch Covid-19". Bà lưu ý rằng, trong lịch sử, các cuộc suy thoái khiến cho sản lượng giảm nhiều gấp đôi so với mức giảm GDP, nhưng năm 2020 này, sản lượng công nghiệp giảm tương đương với mức giảm GDP chứ không giảm nhiều hơn, nhờ sự hồi phục mạnh mẽ ở lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc- động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, thị trường kim loại công nghiệp còn được hỗ trợ bởi một loạt các biện pháp kích thích trên toàn cầu, giữa lúc nguồn cung ở các mỏ khoáng sản của Peru và Chile bị gián đoạn do chính sách phong tỏa chống Covid-19 và những cuộc đình công kéo dài giữa công nhân và giới chủ về tiền lương.
Hàng loạt những thỏa thuận về năng lượng xanh trên toàn cầu cũng khiến nhu cầu đồng, nhôm và nickel tăng lên – trong lĩnh vực xe điện, trạm xạc điện cungx như sản xuất điện tái tạo.
Các quỹ đầu tư lớn dự báo đà tăng giá của kim loại công nghiệp vẫn chưa dừng lại nên đang nắm giữ các hợp đồng đồng, nhôm, kẽm và nickel trên sàn London nhiều kỷ lục.
Tuy nhiên, về triển vọng thị trường kim loại, nhà phân tích Wenyu Yao của ING cho rằng, gia đoạn kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh và cần nhiều kim loại công nghiệp sẽ dần qua đi.
Theo bà Yao: "Trong giai đoạn đầu của quá trình kinh tế hồi phục, chúng ta thấy nhu cầu mạnh đối với kim loại công nghiệp. Tuy nhiên, xu hướng này có thể đảo ngược, có nghĩa là kim loại quý rồi sẽ trở lại tăng vượt trội so với kim loại công nghiệp, một khi kinh tế hồi phục tốt và lạm phát có dấu hiệu tăng lên.
Colin Hamilton, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu hàng hóa của BMO Capital Markets, cũng đồng quan điểm đó và cho rằng xu hướng giá kim loại sẽ đảo chiều giảm vào năm tới.
Theo Hamilton cho biết: "Giá kim loại công nghiệp sẽ vẫn cao cho đến đầu năm 2021, trước khi ngân hàng Trung Quốc giảm cho vay tiền, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản".
Tham khảo: Reuters
Theo Trí thức trẻ