VN-Index có thể vượt mốc tâm lý 1.500 điểm
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 21/3 đến ngày 25/3, VN-Index tăng 29,4 điểm (+2%) lên mốc 1.498,50 điểm. Thanh khoản giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 25.507 tỷ trên HSX, tăng mạnh 20,74% so với trung bình tuần trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 10,54 điểm (+2,34%) lên mốc 461,75 điểm.
Sắc xanh bao trùm toàn thị trường trong tuần qua, chỉ có duy nhất 1 nhóm ngành giảm giá là Hàng không (-0,7%). Ở chiều ngược lại, nhiều nhóm ngành có cú bứt phá ngoạn mục. Đứng đầu là Phân bón (+11,3%), tiếp sau là Bảo hiểm (+7,4%), Thủy sản (+7,3%) và Bán lẻ (+7,6%). Lệnh trừng phạt của EU nhắm vào Nga khiến thị trường phân bón thiếu hụt đi nguồn cung và giữ giá phân bón thế giới ở mức cao. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giá ure có thể giảm mạnh từ tháng 6 trở đi khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu và vấn đề thiếu than dần được khắc phục.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index vẫn chưa chinh phục lại mốc tâm lý 1.500 điểm, nhưng quan sát 5 phiên giao dịch trong tuần qua thì những tín tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Kết thúc tuần là một thân nến xanh với thanh khoản tăng cao và dòng tiền tăng điểm thì luôn có sự luân chuyển giữa các nhóm ngành. Vì vậy, tín hiệu lạc quan với xu hướng hiện tại của VN-Index vẫn duy trì.
“Nhịp chỉnh vẫn có thể xuất hiện trong các phiên đầu tuần 28/3 và chúng ta có thể tiếp tục gia tăng thêm tỷ trọng ở các mã đang có lợi nhuận trong các phiên chỉnh như thế. Chúng tôi kỳ vọng hết trong tuần này 28/3-1/4, VN-Index có thể vượt mốc tâm lý 1.500 điểm”, chuyên gia của CSI cho hay.
VN-Index có thể sẽ giằng co và rung lắc
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thanh khoản khớp lệnh trong tuần qua được cải thiện cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường nhưng sự thận trọng đã xuất hiện khi thị trường vượt ngưỡng 1.500 điểm. Tình hình trên thế giới trong tuần qua cũng không có diễn biến mới khi mà giới đầu tư vẫn đang quan sát tình hình chiến sự tại Ukraine cũng như lo ngại về lạm phát gia tăng. Trong bối cảnh hiện tại, thị trường sẽ khó có thể bứt phá trong ngắn hạn mà có lẽ sẽ thiên về giằng co và tích lũy nhiều hơn.
“Trong tuần giao dịch này 28/3-1/4, VN-Index có thể sẽ giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.480-1.520 điểm để tích lũy nền giá chờ thời cơ bứt phá trở lại. Các nhà đầu tư đã tiến hành mua vào khi thị trường test vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm trong phiên 14/3 và 15/3 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc chốt lời nếu thị trường tiến tới ngưỡng kháng cự quanh 1.520 điểm. Quyết định mua thêm chỉ hợp lý nếu thị trường có nhịp giảm mạnh về vùng hỗ trợ 1.425-1450 điểm một lần nữa”, chuyên gia của SHS khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Trần Xuân Bách, chuyên gia Phân tích và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh và có thể lui về kiểm định đường kênh dưới tại 1.470-1.476 điểm. Với sự thiếu vắng thông tin trong giai đoạn hiện tại, thị trường nhiều khả năng sẽ duy trì dao động swing trong kênh giá 1.470-1.512 điểm trong những phiên giao dịch cuối tháng 3.
Chỉ số VN30 cũng đang có xu hướng điều chỉnh sau khi đảo chiều giảm điểm từ vùng kháng cự 1.512-1.520 điểm. Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 1.482-1.488 điểm. Hiện tại, sức mạnh tăng giá của chỉ số VN30 còn khá hạn chế khi chỉ số vẫn dao động ở nửa dưới của kênh giá sideway trung hạn. Xu hướng ngắn hạn của VN30 sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn khi chỉ số bứt phá lên trên đường median-line.
“Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên đầu tuần này. Mặc dù thị trường đang đối mặt với áp lực điều chỉnh nhưng chúng tôi cho rằng, nhịp điều chỉnh này khá lành mạnh và cần thiết cho xu hướng tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn. Chúng tôi vẫn duy trì đánh giá tích cực đối với xu hướng tổng thể của thị trường từ nay cho đến cuối tháng 4. Do đó, nhà đầu tư tiếp tục thực hiện mua tăng tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường điều chỉnh”, ông Trần Xuân Bách lưu ý./.
Theo VOV