Dư địa giảm vẫn còn
Thị trường điều chỉnh trong phiên thứ ba liên tiếp với thanh khoản thấp hơn mức trung bình. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/8, VN-Index giảm 0,12 điểm (-0,01%) xuống 1.298,74 điểm; HNX-Index giảm 3,05 điểm (-0,91%) xuống 331,79 điểm. Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên trước và cao hơn mức trung bình 20 phiên với 809 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 25.287 tỷ đồng. Độ rộng thị trường là tiêu cực với 249 mã tăng, 95 mã tham chiếu, 376 mã giảm.
Thị trường giao dịch giằng co trong phiên 24/8 với sắc xanh và sắc đỏ đan xen nhau và kết phiên ngay dưới ngưỡng tham chiếu. Nhóm cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm phiên 24/8 khi hàng loạt mã bị chốt lời mạnh và giảm sâu, thậm chí giảm sàn như: CTS (-6,9%), PSI (-9,6%), HCM (-6,8%), VDS (-6,9%), VIX (-7%)... Đà giảm cũng diễn ra với hầu hết các cổ phiếu bất động sản, xây dựng như: DIG (-5,7%), FCN (-1,9%), IJC (-3,1%), VGC (-3,9%)…
Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí với PVD (+2,3%), PVB (+2,3%), PVC (+1,1%), PVS (+2,6%), PVT (+3%), BSR (+2,9%)… và thép với HPG (+0,5%), NKG (+1,5%), HSG (+0,3%), SMC (+0,2%)… giao dịch khá tích cực với sắc xanh nhẹ. Cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch khá tích cực với khá nhiều mã tăng giá như: TCB (+0,5%), STB (+0,9%), VPB (+0,7%), CTG (+0,2%), ACB (+0,9%), MSB (+2,2%), LPB (+2%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index điều chỉnh phiên thứ ba liên tiếp với mức giảm rất nhẹ (-0,01%) và thanh khoản suy giảm so với hai phiên giảm trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra trong phiên 24/8 đã suy giảm. Bên cạnh đó, khối ngoại quay trở lại mua ròng nhẹ với khoảng 10 tỷ đồng trên hai sàn giúp cho giao dịch trở nên cân bằng hơn. Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang nằm trong sóng điều chỉnh c và dư địa giảm hiện tại là vẫn còn.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 25/8, VN-Index có thể tiếp tục giảm điểm với vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.200-1.250 điểm (trendline nối các đáy từ 2020 đến nay). Nhà đầu tư đã chốt lời danh mục trước đó có thể canh những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ trong khoảng 1.200-1.250 điểm để giải ngân trở lại. Những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn không nên bán tháo trong những phiên giảm mà nên đợi những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
VN-Index có khả năng hồi phục lên vùng kháng cự gần 1.300 – 1.305 điểm
Tuy nhiên, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEAN SC) cho rằng, đồ thị ngày 24/8, VN-Index xuất hiện cây nến đỏ nhỏ dạng ‘Spinning top’ với bóng dưới dài tại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm, là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy bên mua và bên bán đang tạm thời cân bằng và đà giảm đang tạm thời chững lại.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 25/8, chỉ số VN-Index có khả năng hồi phục kỹ thuật lên vùng kháng cự gần 1.300 – 1.305 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.310 – 1.315 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày”, chuyên gia của ASEAN SC dự báo.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, áp lực bán gia tăng nhanh chóng trên toàn thị trường trong 2 phiên liền trước đã cho thấy dấu hiệu dòng tiền thoái lui khỏi thị trường trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại. Mặc dù vậy, dưới góc nhìn kỹ thuật, một số chỉ báo động lượng đã chững lại xu hướng giảm cũng cho thấy áp lực điều chỉnh giảm là không quá mạnh.
“Trong bối cảnh như vậy, nhà đầu tư chưa nên giải ngân mới mà nên tiếp tục đứng ngoài quan sát thêm các diễn biến mới trên thị trường, đặc biệt là thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam cũng như những diễn biến mới trên thị trường tài chính quốc tế”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.