Khó kỳ vọng vượt đỉnh
Sau cuộc đám phán lần 3 giữa Nga và Ukraine, vẫn chưa có một thỏa thuận chính thức nào đạt được về việc hạ nhiệt căng thẳng đã khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên 7/3 với việc 3 chỉ số chính đều giảm từ 2,4% đến 3,6%. Diễn biến này đã có ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường châu Á trong phiên 8/3 và Việt Nam cũng đi theo xu hướng này nhưng với mức giảm nhẹ hơn. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/3, chỉ số VN-Index giảm 25,34 điểm (-1,69%) xuống 1.473,71 điểm. Độ rộng thị trường là tiêu cực với chỉ 95 mã tăng (16 mã tăng trần), 34 mã tham chiếu, 370 mã giảm (12 mã giảm sàn). Thị trường giảm nhẹ trong phần lớn thời gian nhưng áp lực bán gia tăng sau 14h đã khiến VN-Index kết phiên ở mức thấp nhất.
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), sau 2 phiên mẫn cảm khá tốt trước tình hình biến động xấu trên thị trường tài chính thế giới, thì sức chống chịu của VN-Index đã yếu đi rõ rệt, sức đề kháng đã bị phá vỡ. VN-Index đóng cửa với phiên giảm điểm rất sâu, bên cạnh đó, thanh khoản cũng gia tăng mạnh cho thấy áp lực bán đã chiếm thế thượng phong. Hầu hết các nhóm ngành đều chịu áp lực giảm giá, kể cả những nhóm cổ phiếu bứt phá tăng tốt trong thời gian vừa qua. Thị trường thiếu vắng nhóm ngành nâng đỡ đẩy VN-Index sụt giảm rất mạnh. Đây là tín hiệu đầu tiên theo quan điểm của chúng tôi cho thấy nhịp điều chỉnh có xác suất cao sẽ xuất hiện.
“Thận trọng và căn giảm tỷ trọng là điều nhà đầu tư nên lưu ý sau phiên 8/3. Kỳ vọng vượt đỉnh đã khá xa bờ sau phiên giao dịch 8/3 và đây là lúc chúng ta cần quản trị tài khoản, ưu tiên bảo vệ nguồn vốn”, chuyên gia của CSI lưu ý.
Nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao trong giai đoạn hiện tại
Còn theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các sự kiện diễn ra trong tuần tới có thể khiến thị trường bị tác động theo hướng không tích cực. Do đó, nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao trong giai đoạn hiện tại để tạo lợi thế khi thị trường xuất hiện các phiên điều chỉnh mạnh.
“Các hoạt động trading trong giai đoạn hiện tại chỉ nên thực hiện với tỷ trọng thấp, áp dụng chiến lược mua trading ở các cổ phiếu đang tích lũy tạo nền giá mới để đón đầu xu thế luân chuyển của dòng tiền. Tập trung vào cổ phiếu các ngành đang được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô như: dầu khí, xăng dầu, khí đốt, bán lẻ, cảng biển và vận tải biển, hóa chất, thép, than, vật liệu cơ bản, bất động sản”, chuyên gia của BVSC nêu quan điểm.
Các chuyên gia của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định vùng hỗ trợ 1.460 – 1.470 điểm trong đầu phiên giao dịch và giữ được đà tăng trong phiên giao dịch hôm nay 9/3. Đồng thời, chỉ số VN30 có thể sẽ kiểm định lại vùng đáy tháng 1/2022. Điểm tích cực là dòng tiền luân chuyển liên tục giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu tăng cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên chú ý cơ cấu lại danh mục.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể ngừng mua vào và cơ cấu lại danh mục để giảm rủi ro, đặc biệt các nhà đầu tư xem xét bán ra các cổ phiếu đã vi phạm mức cắt lỗ ngắn hạn hay có tín hiệu bán từ hệ thống YSradar. Tỷ trọng cổ phiếu ngắn hạn phù hợp giai đoạn này là 55-60% danh mục”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị./.