Năm 1802, tại Pháp, Joseph Marie Jacquard chế tạo thành công chiếc máy dệt tự động sau khi khánh kiệt gia sản vì đổ hết vào nghiên cứu, và bản thân phải sống bằng công việc đốt lò. Nghe tin ông đang cố vay mượn để lập một xưởng dệt, những người thợ dệt ở Lyon sợ chiếc máy sẽ cướp hết công việc của mình nên đã kéo nhau đến phá tan tành cỗ máy. Ông Jacquard bị họ quẳng xuống sông Rhone, may thoát chết.
Công nhân đập phá máy là chuyện xảy ra thường xuyên ở châu Âu trong cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên của nhân loại, khi nguy cơ mất việc vào tay máy móc lần đầu tiên hiện diện. Và những năm gần đây trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nỗi sợ này liên tục được nhắc đến, khi kẻ cạnh tranh của con người trở nên quá mạnh. Chúng ta không còn giữ thế độc quyền về lao động trí óc nữa. Với sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều công việc “cần chất xám” đang và sẽ tiếp tục được AI thay thế đảm nhiệm, và một sự thật gây tổn thương đang được các ông chủ nói với nhân viên: “Máy làm tốt hơn, chuẩn hơn và nhanh, rẻ hơn các anh chị nhiều”.
Viễn cảnh trí thức mất việc vào tay AI một lần nữa thành chủ đề “sốt xình xịch” khi ChatGPT xuất hiện. Không chỉ lập trình viên, nhân viên truyền thông, pháp lý… lo bị thay thế mà ngay nhiều nhà thơ – lao động thuộc địa hạt tâm hồn đầy bí ẩn và tinh tế - cũng chạnh lòng với ý nghĩ bản thân sắp trở nên không còn cần thiết.
Đập phá máy móc là điều không thể nghĩ tới trong thời đại văn minh, thượng tôn pháp luật này, cũng chẳng có tác dụng gì khi “kẻ cướp việc làm” không đơn thuần là khối vật chất hữu hình được làm từ sắt thép, gỗ, nhựa… ChatGPT lại càng “vô hình”.
Nhưng phải chăng do choáng ngợp về sự “siêu phàm” của AI nói chung và ChatGPT nói riêng mà nhiều người quên rằng nó không chỉ là “cơn ác mộng thất nghiệp” mà còn có thể là công cụ hiệu quả nhất cho công việc, cuộc sống? Bản thân nó cũng được tạo ra để phục vụ nhân loại như những thế hệ máy móc trước đây.
Có điều, nhân viên giỏi cần sếp giỏi để phát huy tối đa năng lực, công cụ mạnh cũng cần người dùng đủ mạnh để khai thác. Trong khi đó AI, bao gồm ChatGPT, lại quá giỏi nên sẽ là thách thức cực lớn đối với người lao động thuộc nhiều ngành nghề khi bị đặt vào tình huống nghiệt ngã: Hoặc có thể sử dụng chúng như trợ lý, hoặc bị đào thải khi tất cả những việc bạn có thể làm, nó đều làm tốt hơn.
“Cơn sốt” ChatGPT những ngày qua khiến con người thế kỷ 21 tự đặt câu hỏi giống như công nhân dệt châu Âu hơn 300 năm trước khi những chiếc máy dệt ra đời: “Vậy bây giờ và sắp tới, mình sẽ làm gì?”. Sẽ không thể có đáp án đáng an tâm nếu bạn đơn thuần coi trí tuệ nhân tạo là đối thủ cạnh tranh, vì bạn không thể cạnh tranh với nó. Bạn buộc phải học cách ra lệnh cho nó phục vụ công việc của mình, hoặc tìm một công việc mà nó không thể, hoặc chưa thể làm được.
Nên nhớ, danh sách công việc mà AI không làm được sẽ rút ngắn rất nhanh. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, áp lực phải tìm ra ưu thế của mình để không bị đào thải khỏi thị trường lao động do sự xuất hiện loại công cụ mới siêu việt lại khủng khiếp như hiện nay. Vì thế, cũng chưa bao giờ yêu cầu nâng cấp bản thân của người lao động lại khẩn thiết, cấp bách như bây giờ.
ChatGPT và các sản phẩm trí tuệ nhân tạo khác là kẻ cướp việc làm hay trợ lý tuyệt vời? Không có đáp án “cứng” cho câu hỏi này, vì phương án trả lời nào cũng đúng với một số người.
Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến, quan điểm của bạn ở box bình luận bên dưới.
Xem cách sử dụng ChatGPT ở Việt Nam tại đây.