Nhìn lại thị trường trong nước
Thị trường trong nước bắt đầu tuần mới cũng là thứ Hai đầu tiên của tháng bảy (1/7/2024) tỷ giá trung tâm được ngân hàng nhà nước công bố giảm tới 11 đồng so với cuối tuần trước xuống còn 24.252 đồng/USD (chốt phiên tuần trước thứ Sáu ngày 28/6 là 24.262 đồng/USD). Sau đó được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật nhích nhẹ 1 đồng và thứ Ba và tăng 6 đồng vào thứ Tư so với phiên giao dịch đầu tuần. Tỷ giá trung tâm bắt đầu đảo chiều đi xuống vào phiên thứ Năm khi lùi 7 đồng so với phiên liền trước và chốt tuần tạm thời dừng ở 24.246 đồng/USD. Đây là con số thấp nhất trong hơn hai tháng qua kể từ 26/4.
Giá bán ra USD ở một số ngân hàng thương mại cũng cùng chiều biến động với tỷ giá trung tâm. Cụ thể phiên thứ Hai đầu tuần hầu hết niêm yết giao dịch ở 25.464 đồng/USD. Sau nhiều phiên biến động, giá bán ra chốt phiên cuối tuần vào thứ Bảy ở mốc 25.458 đồng/USD, giảm 0,024% so với đầu tuần.
Thị trường “chợ đen” sau một tuần ghi nhận những con số kỷ lục chưa từng có vượt ngưỡng 26.000 đồng/USD đã lắng lại. Thị trường tuần này đi xuống, giảm tới 100 - 90 đồng mua vào, bán ra giữa phiên cuối tuần và đầu tuần, hiện niêm yết tỷ giá ở 25.800 – 25.890 đồng/USD.
Nhìn lại thị trường quốc tế
Tuần qua chứng kiến sự tăng giảm điểm không ổn định của chỉ số USD Index dao động trong khoảng 105,85 – 105,02 điểm đầu tuần và cuối tuần, giảm 0,8 %. Con số này được lý giải do nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại và tác động của một số dữ liệu trên thị trường việc làm cùng khả năng FED giảm lãi suất. Chỉ số USD Index đóng cửa hôm thứ Bảy (6/7/2024) với 104,88 điểm, tuột khỏi mốc 105 điểm đã duy trì 2 tháng qua.
Nhà phân tích thị trường Fawad Razaqzada chia sẻ trên Forex.com nhìn lại thị trường tuần qua như sau: “Sau khi công bố báo cáo bảng lương phi nông nghiệp hỗn hợp của Hoa Kỳ, đồng đô la Mỹ đã giảm. Bản báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ được công bố vào thứ Sáu vừa qua cho thấy số lượng việc làm tăng 206.000, vượt qua mức đồng thuận là 190.000. Tuy nhiên, đã có những điều chỉnh giảm đáng kể đối với hai tháng trước đó, với số việc làm được thêm vào ít hơn 111.000 so với báo cáo ban đầu. Điều này chỉ ra sự chậm lại đáng kể trong việc tạo ra việc làm. Trung bình động ba tháng của số việc làm được tạo ra hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2021.
Ngoài ra, 73% tổng số việc làm được tạo ra trong tháng trước là trong chính phủ và chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, đó có thể không phải là một dấu hiệu lành mạnh, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2021 là 4,1%, trái ngược với kỳ vọng là vẫn giữ nguyên ở mức 4,0%. Tin tốt đối với Fed là thu nhập trung bình theo giờ tăng 0,3% so với tháng trước và 3,9% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tốc độ tăng trưởng hàng năm chậm nhất kể từ quý 2 năm 2021. Điều này sẽ giúp lạm phát tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Fed.”
Dự báo tỷ giá USD
Fawad Razaqzada kỳ vọng vào thị trường tuần tới: “Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất về lạm phát sẽ được công bố vào thứ năm, ngày 11 tháng 7. Sau khi Chỉ số giá tiêu dung (CPI) cốt lõi hàng tháng tăng yếu hơn dự kiến là 0,2% và chỉ số tiêu đề không đổi, những người bi quan về đồng đô la Mỹ đã hy vọng sẽ thấy đồng đô la Mỹ giảm rõ rệt hơn vào tháng trước. Thay vào đó, đồng bạc xanh đã giữ vững vị thế của mình khá tốt, đặc biệt là so với đồng yên và đồng euro trong vài tuần qua cho đến khi giảm do dữ liệu kinh tế yếu kém của Hoa Kỳ trong tuần này, điều này đã hỗ trợ các loại tiền tệ mà ngân hàng trung ương có quan điểm chặt chẽ hơn FED, ví dụ như AUD. Nếu chỉ số CPI yếu hơn dự kiến khác, thì điều này có thể dẫn đến kỳ vọng rằng quá trình giảm phát đã tiếp tục sau chặng đường khó khăn để lạm phát trở lại bình thường.”