Tại buổi giao lưu trực tuyến "Lưu ý gì khi ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ?" do báo Tuổi trẻ tổ chức sáng 12/4, luật sư Trần Minh Hải, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) là một giao dịch thỏa thuận trong dân sự, do đó, người mua bảo hiểm nhân thọ và công ty bảo hiểm nhân thọ có quyền thỏa thuận xây dựng nội dung của hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, đây là nguyên tắc pháp lý nhưng thực tế lại rất khó thực hiện theo.
“Về khách quan, hợp đồng BHNT là sản phẩm hình thành từ một quá trình kinh doanh lâu dài của hãng bảo hiểm. Dạng hợp đồng này nhiều nội dung, nhiều kết cấu thành phần do vậy để hiểu và đàm phán thực tế là điều không phải dễ. Về chủ quan, hãng bảo hiểm cũng không muốn hợp đồng bảo hiểm của họ bị biến đổi bởi mẫu hợp đồng đã nằm trong quy trình nghiệp vụ của họ, nhất là với thực tế họ có quyền lựa chọn khách hàng khi thời gian qua có rất nhiều người tham gia mua bảo hiểm nhân thọ. Công ty bảo hiểm cũng có thể nêu lý do từ chối sửa đổi bởi hợp đồng bảo hiểm của họ đã được Bộ Tài chính phê duyệt”, luật sư Trần Minh Hải nói.
Theo luật sư Hải, trước đây, theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Quyết định số 35/2015 của Thủ tướng Chính phủ, thì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải đăng ký mẫu, điều kiện giao dịch chung trước cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay theo Quyết định số 25 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, thì dạng hợp đồng này đang loại bỏ khỏi danh mục phải đăng ký mẫu.
“Với thực tế hiện nay, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cần đăng ký mẫu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, luật sư Trần Minh Hải đề xuất.
Thời gian qua, nhiều khách hàng mua BHNT đã lên tiếng vì cảm thấy mình bị "lừa", bị tư vấn sai khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm đã đủ chặt chẽ và minh bạch? Tuy nhiên, luật sư Trần Minh Hải cho rằng, pháp luật về bảo hiểm hiện nay đã khá rõ ràng, lỗi cũng không nằm ở sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm.
“Ở một số nước phát triển, nhiều người mua tham gia bảo hiểm nhân thọ nhiều, lại ít có tranh chấp, theo tôi do việc giao kết minh bạch. Là dạng sản phẩm tài chính phức tạp, khi người mua bảo hiểm nghiên cứu kỹ, chủ động giao kết, thì tranh chấp ít xảy ra. Tại Việt Nam, nhiều tranh chấp phát sinh có thể hiểu bởi vấn đề thiếu minh bạch nằm ở môi trường bán bảo hiểm. Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hiện nay được bán chủ yếu qua môi trường liên kết giữa các hãng bảo hiểm với các ngân hàng”, ông Hải chỉ rõ.
Rất nhiều vụ việc tranh chấp cho thấy quyết định mua bảo hiểm của khách hàng xuất phát từ sự tin vào những yếu tố mời chào hấp dẫn, thiếu minh bạch từ một số nhân viên ngân hàng hơn là dựa trên sự nghiên cứu, nhận thức rõ về sản phẩm bảo hiểm. Đến khi gặp phải các chế tài phạt, hay những yếu tố bất lợi thì khách hàng mới khiếu kiện về những vấn đề bị nhầm lẫn, thậm chí bị lừa dối trong việc mua bảo hiểm của mình.
“Vấn đề pháp lý cần hoàn thiện là việc quản lý cơ chế giao kết giữa hệ thống ngân hàng với các công ty bảo hiểm trong việc bán bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc”, luật sư Trần Minh Hải đề nghị.
Cần lưu ý trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ
Để bảo vệ quyền lợi của mình trước khi mua BHNT, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam lưu ý, người mua nên xác định, cân nhắc giữa yêu cầu và khả năng của mình để chọn mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chính và các sản phẩm phụ thích hợp nhất. Đồng thời, yêu cầu đại lý bảo hiểm tư vấn đầy đủ, rõ ràng về các điều khoản trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, quy tắc và điều khoản bảo hiểm của sản phẩm mình muốn mua.
“Nên đọc, nghiên cứu thật kỹ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm. Nếu chưa rõ, bạn cần yêu cầu đại lý bảo hiểm giải thích chính xác các điều khoản trong hồ sơ, hợp đồng bảo hiểm, Nhất là các điều khoản đặc thù của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như: điều khoản loại trừ bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm, bảng minh họa chi tiết quyền lợi bảo hiểm, phí bảo hiểm, điều khoản chấm dứt hợp đồng bảo hiểm…”, ông Ngô Trung Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần kê khai đầy đủ và chính xác các thông tin về nhân thân và tình trạng sức khỏe mà công ty bảo hiểm yêu cầu trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Người mua bảo hiểm phải kê khai đầy đủ, trung thực tình trạng sức khỏe hiện nay, tiền sử bệnh, trước đây đã khám bệnh ở đâu… Sau này khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, các công ty bảo hiểm thường tổ chức thẩm định và điều tra trước khi trả tiền bảo hiểm.
“Công ty bảo hiểm sẽ từ chối trả tiền bảo hiểm nếu họ phát hiện được người mua bảo hiểm không cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin về sức khỏe, tình trạng bệnh tật khi mua bảo hiểm. Đây là nguyên nhân chủ yếu xảy ra các tranh chấp của hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm nhiều năm qua”, ông Dũng thông tin thêm.
Cũng theo Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, tham gia BHNT là cuộc chơi cần sự trung thực, minh bạch và tử tế thì mới đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Khi đã giao kết hợp đồng bảo hiểm trong thời hạn 21 ngày cân nhắc (dù đã ký hợp đồng và đóng phí bảo hiểm lần đầu đầy đủ, khách hàng vẫn có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và được hoàn trả phí khi không muốn tham gia bảo hiểm nữa). Khách hàng có thể gọi điện trực tiếp cho doanh nghiệp bảo hiểm để hỏi thêm một số thông tin chưa rõ ràng và thông tin thêm về đại lý./.