Thị trường tháng giêng năm nay đối với trái cây sản xuất trong nước có sự phân hóa rõ nét về giá. Giữa lúc những mặt hàng có nhu cầu xuất khẩu cao như: sầu riêng, mít, chuối, thanh long… hút hàng, sốt giá thì cam sành, bưởi không đạt chuẩn xuất khẩu có giá rẻ mạt.
Cam sành rớt đáy, sầu riêng chạm đỉnh
Ghi nhận tại TP HCM thời gian gần đây, cam sành là mặt hàng dội chợ nhất khi giá bán phổ biến chỉ ở mức 8.000 - 12.000 đồng/kg, loại bán rong chỉ 5.000 - 7.500 đồng/kg, chưa bằng một nửa giá so với vài tháng trước đây.
Tại "thủ phủ" trồng cam sành của tỉnh Vĩnh Long là huyện Trà Ôn, nhà vườn điêu đứng vì cam sành lao dốc thê thảm. Ông Phan Văn Trí (ngụ xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn) lắc đầu: "Tôi thuê 7 công đất trồng cam và đầu tư khoảng 150 triệu đồng/công, với giá này bị lỗ hàng trăm triệu đồng".
Nhà vườn tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đang điêu đứng vì cam sành Ảnh: CA LINH
Ông Nguyễn Anh Pha, Chủ tịch UBND xã Thới Hòa, cho hay năm 2014 diện tích cam sành của xã chỉ có 60 ha nhưng tới năm 2020 thì tăng lên hơn 1.200 ha. Ông Pha giải thích những năm 2014 - 2015, cam sành có giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là năm đầu tiên giá cam rớt thảm vì đụng vụ cam miền Bắc và năm nay thời tiết lạnh kéo dài cũng khiến nhu cầu mua cam giảm. Hy vọng đến tháng có nắng, giá cam sẽ tăng lại, chỉ cần nhích lên từ 4.500 - 5.000 đồng/kg thì nhà vườn sẽ thu hồi được vốn.
Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn, thông tin lượng cam bị ứ đọng tại huyện là khoảng 50.000 tấn và diện tích thu hoạch từ đây tới tháng 3 thêm 60.000 tấn. Cam sành tại huyện rớt giá là loại cam xồ (cam mới trồng khoảng 1-2 năm, có vỏ dày), trái quá chín không để lâu được" - ông Tám phân tích.
Sau Tết Quý Mão, sầu riêng đang được xem là loại trái cây "hot" nhất tại ĐBSCL khi giá tăng từng ngày, từ mức 100.000 đồng/kg lên cao nhất lịch sử là 200.000 đồng/kg tại vườn khiến nhiều nơi đổ xô nhau trồng. Tại vùng bưởi Năm Roi nức tiếng ở tỉnh Vĩnh Long là xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh), nhiều diện tích trồng bưởi cũng chuyển sang trồng sầu riêng. Ông Nguyễn Phương Đông - Trưởng ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa - cho hay ấp có gần 70 ha trồng bưởi thì có khoảng 20% diện tích trồng bưởi chuyển sang trồng sầu riêng. "Một số hộ dân trồng bưởi 3-5 năm thì cây suy không lớn nên từ năm 2018, nhiều nhà vườn đã chuyển sang trồng sầu riêng. Tôi cùng một số anh em trồng 2 ha sầu riêng được hơn 4 năm nay và chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên" - ông Đông thông tin.
Tại TP Cần Thơ, diện tích cây sầu riêng năm 2015 là 537 ha, nay tăng lên 2.487 ha. Các địa phương khác tại ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ cũng đua nhau trồng sầu riêng khiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có văn bản cảnh báo. Nhưng với giá sầu riêng quá cao như hiện nay khiến nhiều nhà vườn "đánh liều" trồng mới.
Giải cách nào?
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), cho rằng nhu cầu tiêu thụ trái cây trong tháng giêng ở mức thấp không chỉ tại Việt Nam mà các nước có nghỉ Tết âm lịch. Đó là lý do thời điểm này nhiều mặt hàng rộ mùa, giá rất thấp. "Còn sầu riêng giá cao kỷ lục bởi đang là thời điểm nghịch vụ, hàng khan hiếm trong khi mới mở được thị trường lớn là Trung Quốc. Phải chờ đến lúc chính vụ sầu riêng thì mức giá mới phản ánh được giá trị thực. Thực tế này đặt ra bài toán "rải vụ" cho trái cây để tránh việc thu hoạch đồng loạt. Đối với cam sành, thời điểm này ai cũng biết giá cam sành sẽ thấp nên những hộ trồng lâu năm, có kinh nghiệm đều né vụ này để dưỡng cây" - ông Nguyễn Văn Mười chia sẻ.
Cũng theo đại diện VACVINA phía Nam, cơ quan này đang mở lớp tập huấn canh tác rải vụ cho sầu riêng để có sản phẩm thu hoạch quanh năm, giúp việc tiêu thụ dễ dàng và có giá. "Với những ngành hàng khác cũng tương tự và rất cần vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc thông tin thị trường, tổ chức sản xuất sao cho phù hợp. Nếu làm được thì sẽ giảm được rủi ro về được mùa mất giá nhưng cần có sự liên kết chặt chẽ, nếu mạnh ai nấy làm thì rất khó" - ông Nguyễn Văn Mười nêu quan điểm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng trong câu chuyện "trồng - chặt" không chỉ có sự lo ngại mà còn có sự chủ động của người dân trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, nhất là ở giai đoạn cây già cỗi cần thay thế.
"Ở góc độ quản lý, ngành nông nghiệp và địa phương phải quản lý được vùng trồng một cách chi tiết (về diện tích, loại cây trồng, giống cây trồng, thời điểm thu hoạch, sản lượng dự kiến…) để dự báo được những lúc sản lượng gia tăng bất thường nhằm chủ động tìm đầu ra. Một điểm yếu của ngành cây ăn trái hiện nay là thiếu sự liên kết nên hàng của tỉnh này "đụng" của tỉnh kia. Các địa phương cần xác định loại cây trồng chủ lực, có lợi thế và vận động nông dân tuân thủ, tránh việc phát triển tự phát tràn lan sẽ khó khăn cho tiêu thụ" - ông Lê Thanh Tùng nhìn nhận.
Nhập khẩu rau quả tăng mạnh
Năm qua, xuất khẩu rau quả giảm hơn 5% thì nhập khẩu lại tăng hơn 40%, lên mức 2,08 tỉ USD. Nguồn cung rau quả lớn nhất cho Việt Nam là Trung Quốc (chiếm tỉ trọng 41,3%), Mỹ (17,2%) và Úc (7,6%). So với năm 2021, giá trị nhập khẩu rau quả năm 2022 từ Trung Quốc tăng 85,8%, Mỹ tăng 15,6%, Úc tăng 16,5%. Bước sang tháng đầu năm 2023, giá trị nhập khẩu hàng rau quả ước đạt 175 triệu USD, tăng 5% so với tháng 1-2022.