Nếu trong thời điểm cuối tháng 8 và tháng 9/2021 giá cả các loại rau củ trung bình từ 40.000 - 60.000 đồng/kg tùy mặt hàng thì nay chỉ còn khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg (tùy loại). Đơn cử bắp cải 30.000 đồng/kg, cải bẹ xanh 30.000 đồng/kg, khoai mỡ 35.000 đông/kg, khoai lang giống Nhật 30.000 đồng/kg, giá 25.000 đồng/kg, rau muống 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Giá lương thực, thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh giảm mạnh do nguồn cung dồi dào
Anh Nguyễn Quang Tuấn, tiểu thương tại chợ chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, hồi tháng 8 giá dưa leo, hẹ, cà chua, su hào, mướp, cà tím, bí xanh, cải thảo, đậu bắp, bầu lên đến 40.000 - 45.000 đồng/kg. Nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg, rẻ hơn cả thời điểm trước giãn cách xã hội là 30.000 - 35.0000 đồng/kg.
“Hiện chỉ có các loại gia vị như ớt đỏ, gừng, hành lá… giá vẫn còn cao, khoảng 60.000 đồng/kg, tuy nhiên mức giá này nếu so với thời điểm tháng 7 và tháng 8 cũng đã giảm khoảng 40.000 đồng/kg” – anh Tuấn nói.
Không chỉ thực phẩm, theo ghi nhận, trong sáng nay 4/10, nhiều loại hải sản cũng đồng loạt giảm giá. Cụ thể, Giá tôm thẻ, tôm càng xanh loại nhỏ từ 200.000 - 220.000 đồng/kg (giảm 50.000 - 80.000 đồng), mực sữa 120.000 - 150.000 đồng/kg, mực ống 200.000 - 240.000 đồng/kg, gà nguyên con 120.000 - 150.000 đồng/kg, vịt cỏ nguyên con 100.000 đồng/kg.
“Hầu hết các mặt hàng đều giảm, trong đó cá mú giảm mạnh nhất từ 30-50% nhưng vẫn không được khách hàng quan tâm nhiều. Vì vậy, tôi cũng chỉ nhập hàng hạn chế, không dám nhập nhiều như lúc TP chưa bùng dịch” – chị Mai Hoa (tiểu thương ở chợ Bình Tiên, quận 6, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Cũng theo chị Mai Hoa, giá các loại gà ta, vịt xiêm trước đây từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, nay chỉ còn 100.000 - 120.000 đồng/kg. Các loại thịt heo cũng đã giảm giá dù chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Giá thịt đùi còn 150.000 đồng/kg, thịt ba rọi còn 170.000 đồng/kg. Các loại bò tái, phi lê bò mềm còn 260.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg).
“TP đã đưa vào hoạt động 3 điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối và thị trường bên ngoài. Đây là lý do chính làm tăng nguồn cung hàng hóa cho thị trường TP, từ đó kéo giá nhiều loại nông sản thực phẩm giảm mạnh” – chị Mai Hoa nói thêm.
Bên cạnh đó, với các mặt hàng trái cây do các tỉnh thành phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch rộ nhiều chủng loại nên sản lượng nhiều, giá cả giảm. Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cũng xác nhận, giá thực phẩm về chợ đang giảm dần, việc vận chuyển thực phẩm từ các tỉnh về chợ không còn khó khăn như trước. Hiện lượng thực phẩm về chợ dao động từ 125 - 130 tấn/ngày. So với thời điểm trong dịch, lượng hàng về chợ đã tăng nhưng vẫn chưa phục hồi so với thời điểm trước dịch bệnh (vài ngàn tấn/ngày).