Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, lượng khách du lịch Tết Tân Sửu sụt giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đợt bùng dịch trong cộng đồng từ cuối tháng trước.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ ngày 9-17/2), TP ghi nhận có khoảng 1.800 khách đặt phòng lưu trú.
Đây là số liệu báo cáo của 22/124 khách sạn (từ 3-5 sao hoặc tương đương) trên địa bàn TP.
Theo báo cáo sơ bộ từ các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu trên địa bàn, lượng khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sụt giảm mạnh ở hầu hết hành trình du lịch. Trong đó, có thể kể đến chương trình du lịch dành cho khách đoàn doanh nghiệp, khách lẻ, khởi hành theo lịch định sẵn...
Dịp Tết khách du lịch sụt giảm mạnh, công suất phòng khách sạn dưới 10% ở TP Hồ Chí Minh.
Khách hàng bắt đầu hủy tour từ ngày 28/1, khi Covid-19 bùng phát tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương. Các tour bị hủy không chỉ là tour đến các tỉnh này mà còn là tour đến nhiều điểm đến khác.
Hầu hết khách hàng yêu cầu doanh nghiệp hoàn tiền 100%, chỉ một số đồng ý hoãn chuyến đi sau khi dịch được kiểm soát.
Trong dịp tết Tân Sửu, các khu du lịch như Đầm Sen, Văn Thánh, Bình Quới, Suối Tiên... đã tạm thời đóng cửa; nhiều điểm vui chơi, giải trí cũng giảm quy mô hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngành du lịch kỳ vọng người dân không thể về quê ăn Tết vì sợ cách ly theo quy định sau khi quay trở lại TP sẽ tạo điều kiện để phát triển trở lại các chương trình du lịch ở thành phố (city tour), du lịch staycation.
Một số công ty lữ hành vừa nâng cao biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh chương trình du lịch ngắn ngày, chủ yếu sử dụng phương tiện ôtô, tặng combo khẩu trang y tế và nước rửa tay.
Tuy nhiên, do tâm lý e ngại, lo lắng của du khách nên thực tế các cơ sở lưu trú, khách sạn 3-5 sao vẫn rất vắng khách.
Đến nay, trên địa bàn có 4.426 cơ sở lưu trú, trong đó 1.165 địa điểm đã được xếp hạng 3-5 sao, tổng cộng 45.195 phòng. Tuy nhiên, công suất phòng giai đoạn Tết chỉ đạt dưới 10%. Trước đó, tỷ lệ trung bình năm 2020 đạt 23%, giảm mạnh so với mức 80% năm 2019.
Trước tình hình này, Sở Du lịch cho biết sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời báo cáo UBND TP và đưa ra các đề xuất, kiến nghị hỗ trợ phù hợp.
Vào đầu tháng 2 này, trước tình trạng khách hủy tour hàng loạt sau đợt bùng dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh, Hiệp hội Du lịch TP đã gửi văn đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, UBND TP... kiến nghị các ngành chức năng có chủ trương linh hoạt hơn nữa để doanh nghiệp có thể cầm cự qua đại dịch.
Hiệp hội kiến nghị nhiều chính sách sách như miễn giảm thuế, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tiếp cận các gói vay ưu đãi, giảm giá điện, nới lỏng chính sách bảo hiểm xã hội - bảo hiểm thất nghiệp...
Bên cạnh đó, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch rà soát những đoàn khách du lịch đến, đi từ địa phương có dịch.
Vừa qua, Sở đã phối hợp Sở Y tế tham mưu UBND TP công nhận 29 cơ sở lưu trú du lịch làm điểm cách ly, tương ứng 2.053 buồng/phòng.
Mới đây, Sở tiếp tục phối hợp với Sở Y tế thẩm định thêm 4 cơ sở để trình UBND TP, dự kiến nâng tổng số cơ sở cách ly lên 33 với công suất gần 2.500 phòng. Thời gian tới, đơn vị cho biết sẽ tiếp tục đề xuất Sở Y tế khảo sát và thẩm mới 33 cơ sở đã đăng ký.